BIẾT CHÚA VÀ BIẾT CON
TIN MỪNG: Ga 7,1-2.10.25-30
1 Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do Thái đang tìm giết Người.
2 Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do Thái.
10 Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.
25 Có một số người ở Giêrusalem nói: “Đây không phải là người họ đang tìm giết sao?
26 Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Đấng Kitô?
27 Tuy nhiên, ông này thì chúng con biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Đấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu”.
28 Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: “Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Đấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài.
29 Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”.
30 Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.
SỐNG LỜI CHÚA
Trong hành trình đức tin, biết Chúa và biết chính mình là hành trình song hành không thể tách rời, giúp con người bước vào tương quan mật thiết với Thiên Chúa và ở lại trong Ngài. Thánh Augustino từng nói: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.” Khi biết Thiên Chúa, con người khám phá tình yêu và ý định của Ngài dành cho mình, đồng thời khi biết chính mình, con người nhận ra những giới hạn, yếu đuối và sự cần thiết có Chúa trong cuộc đời.
Biết một điều giúp mở mang kiến thức, biết một người giúp ta gắn kết với họ, nhưng biết Thiên Chúa chính là chìa khoá để giúp thăng tiến đời sống thiêng liêng . Những sự “biết” này chỉ thực sự có giá trị khi nó đúng đắn, còn nếu sai lạc, nó có thể khiến con đưa đến những quyết định sai lầm và hậu quả nghiêm trọng.. Bài Tin Mừng hôm nay kể về dân Do Thái—họ tin rằng họ biết Chúa Giêsu. Họ biết Ngài là con ông Giuse và bà Maria, xuất thân từ Nazareth, nhưng lại không nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa. Chính sự hiểu biết hời hợt đó đã khiến họ từ chối, thậm chí tìm cách giết Ngài.
Người Do Thái thời bấy giờ chỉ dựa vào cái nhìn bên ngoài mà kết luận về Chúa Giêsu. Họ biết Đức Giêsu là con của Giuse và Maria người thành Nazareth, nhưng không nhận ra nguồn gốc thần linh của Ngài. Trong khi đó, Chúa mời gọi họ hiểu chữ “biết” theo một tương quan sâu sắc hơn: “Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Đấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”.
Chúa Giêsu muốn người Do Thái biết Người như Chúa Cha biết Người, trong sự gắn kết của tình yêu. “Ai ở trong Ta người ấy biết Chúa Cha”. Chúa Giêsu đến không để giải thoát con người theo lối lý trí thế gian, nhưng qua con đường tình yêu của Thiên Chúa, giúp mỗi người nên hoàn thiện và đạt được hạnh phúc trọn vẹn đời này và đời sau.
Câu chuyện của người Do Thái là lời chất vấn dành cho mỗi người: Còn con, con biết Chúa như thế nào?
Nếu đức tin của con chỉ dừng lại ở những kiến thức học được hay những điều nghe kể, con sẽ dễ dàng lung lay khi gặp thử thách. Con có thể vô tình tạo ra một hình ảnh Thiên Chúa theo ý muốn riêng, thay vì đón nhận Ngài như Ngài là. Nhưng nếu con biết Chúa qua một mối tương quan thân tình, con sẽ luôn tin chắc rằng dù cuộc sống có thế nào, Chúa vẫn yêu thương và đồng hành với con.
Để biết Chúa và đi sâu vào tương quan với Ngài, chúng con cần nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện chân thành và thường xuyên. Cầu nguyện không chỉ là đọc kinh mà còn là đối thoại với Chúa, tâm sự với Ngài như một người Cha yêu thương, và quan trọng hơn là biết lắng nghe Ngài trong thinh lặng. Đồng thời, suy gẫm và sống Lời Chúa là cách để hiểu biết về Thiên Chúa một cách sâu sắc hơn. Lời Chúa không chỉ là kiến thức mà còn là ánh sáng hướng dẫn chúng con trong đời sống hằng ngày.
Tham dự các Bí tích, đặc biệt là Thánh lễ và Hòa giải, là phương thế quan trọng giúp con kết hợp mật thiết hơn với Chúa. Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng linh hồn, Bí tích Hòa giải thanh tẩy tâm hồn, giúp con sống trong ân sủng của Ngài. Nhưng đức tin không chỉ thể hiện qua nghi thức mà cần được bày tỏ qua đời sống yêu thương. Chúa Giêsu dạy rằng ai yêu thương thì ở lại trong Người. Khi thực hành bác ái, chúng con không chỉ sống đúng với giáo huấn của Chúa mà còn cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngườii trong cuộc đời mình.
Trên hành trình theo Chúa, sẽ có những lúc thử thách, nhưng thay vì để khó khăn làm con xa rời Ngài, con cần bám chặt vào Chúa, tin tưởng vào tình yêu và sự quan phòng của Ngài. Đức tin không thể lớn lên nếu con không kiên trì và mở lòng đón nhận tình yêu của Chúa mỗi ngày. Cộng đoàn đức tin cũng là nơi giúp con lớn lên trong đời sống thiêng liêng, được nâng đỡ và chia sẻ trong hành trình theo Chúa. Mối tương quan với Chúa không tự nhiên mà có, nhưng cần sự kiên trì, vun trồng và mở lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa và biết chính con. Biết Chúa là Đấng luôn yêu thương con và mong muốn con được hạnh phúc trọn vẹn. Đồng thời, xin đừng để con chỉ dừng lại ở sự hiểu biết hời hợt, vì điều đó có thể khiến con vô tình chối bỏ Ngài. Xin cho con nhận biết mọi sự với tình yêu, để con được lớn lên trong ân sủng của Chúa và sống trọn vẹn tình yêu thương với tha nhân.Amen
Maria Nguyễn Châm
Chia sẻ bài viết:
Youtube: Biết Chúa và biết con
Fanpace: Thân Hữu MTG Thủ Thiêm
Tin cùng chuyên mục:
Thứ Sáu Tuần Thánh Năm C – 18/04/2025 – Cùng Chúa lên đồi Golgotha
Thứ Năm Tuần Thánh Năm C- 17/04/2025 – Bữa Tiệc Ly – Nơi Bắt Đầu Một Tình Yêu Vĩnh Cửu
Thứ Năm Tuần Thánh Năm – Lễ Dầu – 17/04/2025 – Lời Mời Gọi Trở Về
Thứ Tư Tuần Thánh Năm C – 16/04/2025 – Cái chết của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với con?