Nghe Tiếng Gọi, Một Hành Trình Của Tự Do và Yêu Thương
TIN MỪNG: Ga 10,1, 10
1 Khi ấy, Chúa Giê, su nói với người Do Thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.
2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.
4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.
5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”.
6 Chúa Giê, su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.
7 Vậy, Chúa Giê, su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào.
8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.
10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào.
SỐNG LỜI CHÚA
Hôm nay Thánh Gioan mô tả hình ảnh thân quen của người mục tử và đàn chiên, một hình ảnh không chỉ giàu tính biểu tượng mà còn chạm đến chiều sâu của đức tin Kitô hữu: “Chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra… và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.” (Ga 10,3, 4) Một mối liên hệ đơn sơ mà rất thật: yêu thương thì nhận ra nhau, sống gần thì hiểu nhau.. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người qua hình ảnh người chăn chiên và đàn chiên: “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11). Mối dây vô hình này không chỉ đơn thuần là sự kết nối, mà còn là một sự tĩnh lặng nội tâm, giúp con người lắng nghe tiếng gọi từ Đấng yêu thương.
Trong mối tương quan giữa chiên và chủ, điều nổi bật đầu tiên là khả năng lắng nghe và phân biệt tiếng gọi. Con chiên không nghe mọi tiếng. Nó chỉ đi theo người mà nó tin tưởng, người mà nó đã từng sống chung, từng được yêu thương và chăm sóc. Qua thời gian đàn chiên sẽ trở nên nhạy bén hơn trong việc phân biệt giữa giọng nói của người chăn chiên và những âm thanh khác chẳng hạn như tiếng của kẻ trộm, sự quen thuộc là dấu hiệu cho thấy đàn chiên không chỉ nghe mà còn hiểu và tin tưởng vào tiếng gọi ấy: “anh đi trước và chiên đi theo sau” (Ga 10, 4). Cũng vậy, đời sống đức tin là một quá trình học biết tiếng Chúa giữa muôn tiếng mời gọi khác: tiếng của dục vọng, tiếng của thành công mau chóng, tiếng của một xã hội chạy theo hưởng thụ.
Tin tưởng không đến một cách tức thời. Đó là kết quả của hành trình sống chung, cùng trải nghiệm, cùng bước qua những thử thách. Mỗi lần chiên nghe tiếng chủ và bước theo, là mỗi lần nó xác tín hơn vào tình yêu ấy. Và cũng vậy, người tín hữu càng sống gần Chúa, càng cảm được sự dịu dàng trong tiếng gọi của Ngài, một lời mời gọi không cưỡng ép, nhưng đầy kiên nhẫn và tình yêu. Chúa Giêsu không chỉ là mục tử mà Người còn là “cửa” dẫn vào sự sống dồi dào. “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào sẽ được cứu” (Ga 10,9). Nhưng cánh cửa ấy không mở cho cả hai hướng: ta phải chọn – hoặc nghe tiếng Chúa, hoặc chạy theo tiếng đời. Không thể cả hai. Ai bước qua Ngài, sẽ gặp được đồng cỏ thật. Nhưng điều đó đòi hỏi sự chọn lựa: Nghe tiếng Chúa, hay nghe tiếng thế gian? Chúng ta không thể nghe cả hai. Chúng ta không thể vừa đi theo tiếng gọi yêu thương lại vừa bị cuốn theo những lời mời gọi giả dối.
Người trẻ hôm nay được mời gọi sống như chiên trong Tin Mừng: tỉnh thức và gắn bó. Sự tỉnh thức không chỉ là chống lại cám dỗ, mà còn là ý thức rõ ràng đâu là tiếng thật, đâu là tiếng giả. Gắn bó không phải chỉ là cảm xúc, mà là chọn lựa lặp đi lặp lại mỗi ngày, chọn bước theo tiếng Chúa, dù phải đi ngược chiều gió.
Nhưng hôm nay, con nhận ra một tiếng gọi khác từ nội tâm sâu thẳm lòng con. Tiếng gọi không lớn nhưng đủ để chạm đến trái tim con. Con biết tiếng gọi của Chúa dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu, trong khi những tiếng gọi khác chỉ làm cuộc đời con hư mất. Vì vậy, con cần phản tỉnh mỗi ngày để tiếng gọi của Chúa luôn là nguồn động lực thúc đẩy con bước đến nơi Chúa đang mời gọi con và cũng là nơi người anh chị em con đang cần sự hiện diện của con. như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Quà tặng lớn nhất ta có thể mang đến cho thế giới là chính sự hiện diện của mình.”, đó là sự hiện diện được nuôi dưỡng bởi tiếng gọi yêu thương từ Đấng mục tử. Tiếng Chúa không ồn ào. Nó đến trong thinh lặng, trong những khoảnh khắc ta ngồi lại với chính mình. Nó là lời mời gọi yêu thương và trao ban.
Lạy Chúa, giữa thế giới ồn ào hôm nay, xin cho con biết dừng lại, lắng nghe và sống theo tiếng gọi của Ngài. Xin giúp con nhận ra đâu là tiếng Chúa, để con dám từ bỏ những gì không thuộc về Ngài. Và nhất là, xin cho con lòng tin và can đảm, để bước đi, mỗi ngày, theo dấu chân của Đấng mục tử nhân lành. Amen.
Cỏ Dại
Chia sẻ bài viết:
Youtube: Nghe Tiếng Gọi, Một Hành Trình Của Tự Do và Yêu Thương
Fanpace: Thân Hữu MTG Thủ Thiêm
Tin cùng chuyên mục:
Thứ Tư Tuần IV Mùa Phục Sinh Năm C – 14/05/2025 – Ở Lại Trong Tình Yêu Chúa
Thứ Ba Tuần IV Mùa Phục Sinh Năm C – 13/05/2025 – “Tôi và Cha Tôi Là Một” – Sống Niềm Tin, Đón Nhận Lòng Thương Xót
LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH – Giáo xứ Đăk Manh – Giáo phận Kon Tum | Chúa nhật 11.05.2025
Gieo hy vọng tại Giáo xứ Vườn Ngô – Chúa Nhật Chúa Chiên Lành 11/05/2025