Thập Giá: Ô Nhục Điên Rồ Hay Tình Yêu?
TIN MỪNG: Mt 10, 34-11, 1
10:34 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo.
35 Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: 36 và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình.
37 Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy.
38 Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. 39 Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.
40 Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
41 Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; 42 và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính.
Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu”.
11:1 Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.
SỐNG LỜI CHÚA
“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38). Nhưng thập giá mà Chúa Giêsu muốn nói đến ở đây là gì? Và làm thế nào để vác lấy nó? Theo lịch sử Do Thái, thập giá là hình thức tử hình tàn bạo mà đế quốc Rôma áp đặt cho những tội phạm nặng nhất. Đối với dân Do Thái, đây không chỉ là một hình phạt đau đớn mà còn là nỗi ô nhục lớn lao cho bản thân người tử tội và cả dân tộc. Còn đối với người Hy Lạp, thập giá là một sự điên rồ. Thế nhưng, Chúa Giêsu lại kêu mời từng người chúng con: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.” Lời mời gọi ấy không chỉ là một thách đố, nhưng còn là một lời kêu gọi thân tình, đưa chúng con bước vào con đường tình yêu tự hiến: con đường qua đau khổ đến vinh quang, con đường dẫn đến Thiên Chúa là gia nghiệp đích thực của đời mình. Khi chiêm ngắm thập giá Chúa Giêsu, chúng con nhận ra một nghịch lý đầy huyền nhiệm: thập giá, biểu tượng của đau khổ, ô nhục và sự chết, lại trở thành nguồn ơn cứu độ, là ánh sáng chiếu soi mọi nẻo đường nhân loại.
Thập giá giờ đây không còn là hình phạt hay sự ô nhục như thời xưa, bởi từ khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chịu chết trên cây thập giá, nó đã biến thành thánh giá, là dấu chỉ tình yêu cứu độ. Thánh Phaolô đã từng khẳng định rõ điều này trong thư gửi tín hữu Côrintô: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều ô nhục cho người Do Thái, điều điên rồ đối với dân ngoại, nhưng lại là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho những ai được kêu gọi” (1Cr 1,23-24). Thập giá, thay vì là dấu hiệu của sự khốn cùng, lại trở thành nguồn suối ơn cứu độ dào dạt từ Thiên Chúa.
Các Giáo phụ, như thánh Augustinô, nhìn thập giá như “bục giảng” hùng hồn nhất của Đức Kitô: “Không có bài giảng nào hùng hồn hơn bài giảng trên thập giá” (Sermo 158). Công đồng Vaticanô II cũng nhấn mạnh rằng chính trong cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu tự nguyện vác lấy tất cả tội lỗi để phục hồi con người bằng tình yêu mạnh hơn sự chết (Hiến chế Gaudium et Spes, số 22). Thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng thập giá không chỉ là một biến cố trong quá khứ, mà còn là thực tại hiện tại, là sự hiện diện sống động của tình yêu Thiên Chúa đối với con người (Tông huấn Salvifici Doloris, số 27). Và Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi: “Chúng ta được mời gọi đón nhận thập giá như một con đường nên thánh, một con đường dẫn đến sự sống đích thực” (Gaudete et Exsultate, số 56).
Bài hát “Thập giá minh chứng tình yêu” của nhạc sĩ Ngọc Linh đã diễn tả rất đẹp về ý nghĩa của thập giá:
“Thập giá minh chứng tình yêu,
Ôi thập giá là tiếng nói yêu thương vô cùng.
Là người bạn tín trung, là lương tâm nhân loại,
Là niềm tin lửa mến, là đỉnh cao dâng hiến, vinh quang.”
Mỗi ngày, chúng con được mời gọi đón nhận thập giá Chúa, làm bằng chứng cho tình yêu bất diệt và duy nhất ấy. Đón nhận thập giá không phải là chấp nhận đau khổ một cách tuyệt vọng, nhưng là đón nhận sức sống mới, sự tự do trong ân sủng, và sự biến đổi từ khổ đau thành hoa trái tình yêu. Nếu con chỉ nhìn thập giá bằng con mắt tiêu cực, xem nó là sự đau khổ, nhục nhã hay điên rồ, thì thập giá vẫn mãi là gánh nặng không thể gột rửa trong cuộc sống. Cuộc đời không thể tránh khỏi “thập giá”, nhưng khi con biết mở ra đón nhận nó với tâm thế của một môn đệ theo chân Chúa, thập giá sẽ trở thành nơi Chúa hiện diện, là dấu chỉ của tình yêu tận sâu trong trái tim con.
Lạy Chúa Giêsu Đấng bị đâm thâu trên thập giá, xin cho con chút lòng tin để có thể đặt trọn cuộc đời trong bàn tay quan phòng của Chúa. Xin cho con cảm nhận được tình yêu của Chúa dành cho con, để con dám mạnh dạn đón nhận thập giá hằng ngày, là sức khỏe, tài năng, lời nói, việc làm, con người, sự kiện… và những thập giá lớn nhỏ khác nữa. Xin cho con đủ can đảm để chân nhận thập giá nơi bản thân và từ đó luôn trong cậy vào Chúa, để chính Ngài biến thập giá thành điều thánh thiện, điều kiện cho tình yêu Thiên Chúa luôn hiện diện trong con người con. Amen.
Anna Tuyết Nhung
Chia sẻ bài viết:
Youtube: Thập Giá: Ô Nhục Điên Rồ Hay Tình Yêu?
Fanpace: Thân Hữu MTG Thủ Thiêm
Tin cùng chuyên mục:
Thứ Sáu Tuần XV Mùa Thường Niên Năm C – 18/07/2025 – “ Bản Chất Của Luật Là Tình Yêu”
Thứ Năm Tuần XV Mùa Thường Niên Năm C – 17/07/2025 – Hãy Đến Với Chúa
Thứ Tư Tuần XV Mùa Thường Niên Năm C – 16/07/2025 – Trạm Dừng Chân
Thứ Ba Tuần XV Mùa Thường Niên Năm C – 15/07/2025 – Bí Tích Thánh Thể- Sự Trọn Vẹn Của Tình Yêu