• Trang chủ
  • SỐNG LỜI CHÚA
  • Thứ Tư Tuần Thánh Năm C – 16/04/2025 – Cái chết của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với con?

Thứ Tư Tuần Thánh Năm C – 16/04/2025 – Cái chết của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với con?

cái chết của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì với con?

Cái chết của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với con?

TIN MỪNG: Mt 26, 14-25

14 Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế mà nói: 15 “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc.

16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.

17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ?”

18 Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: “Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.”

19 Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.

20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ.

21 Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.”

22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao ?”

23 Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy.

24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!”

25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao ?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!”

SỐNG LỜI CHÚA

Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu hôm nay thuật lại khung cảnh đầu tiên của Tiệc Vượt Qua, nơi diễn ra cuộc trò chuyện nặng nề và chất chứa sự dò xét và ngờ vực giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, đặc biệt là Giuđa Ítcariốt.

Trước đó, Giuđa, một trong Mười Hai Tông Đồ, đã bí mật âm mưu phản bội Thầy mình. Ông ta lén lút thỏa thuận với các thượng tế, đồng ý nộp Chúa Giêsu với giá ba mươi đồng bạc và không ngừng tìm kiếm cơ hội để thực hiện kế hoạch.

Trong bầu không khí háo hức của ngày thứ nhất tuần lễ Bánh Không Men, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về nơi dọn Tiệc Vượt Qua. Theo lời Người, họ đến nhà một người trong thành để chuẩn bị. Đến chiều, Chúa Giêsu cùng các môn đệ vào bàn tiệc. Giữa bữa ăn thân mật, một lời tiên báo bất ngờ vang lên, phá vỡ không khí ấm cúng: “Thầy bảo thật anh em, có kẻ sẽ nộp Thầy.” Câu nói ấy khiến các môn đệ sững sờ, lòng trĩu nặng lo âu. Họ lần lượt cất tiếng hỏi trong băn khoăn: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?”

Chúa Giêsu đáp lời, ánh mắt đầy u buồn: “Kẻ cùng chấm chung một đĩa với Thầy, chính là kẻ sẽ nộp Thầy.” Và Người tiếp tục, như một lời cảnh báo đầy xót xa: “Khốn cho kẻ nộp Con Người! Thà rằng người đó đừng sinh ra thì hơn.”

Cuối cùng Giuđa biết rõ Người đang nói về mình, nhưng lòng ông đã chai cứng. Ông cũng cất tiếng: Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Chúa Giêsu nhìn thẳng vào ông, không trách móc, không giận dữ, chỉ có nỗi đau của một tình yêu bị phản bội. Người nhẹ nhàng đáp: “Chính anh nói đó.” Lời xác nhận ấy như khép lại định mệnh bi thương của kẻ phản bội, đánh dấu một trong những khoảnh khắc đau lòng nhất trong hành trình cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Khi đọc và suy gẫm đoạn Tin Mừng này, con luôn có những câu hỏi vang lên trong suy nghĩ của con; Ai đã trao nộp Chúa Giêsu để Người phải chịu chết? Ai đã bán Người chỉ với ba mươi đồng bạc? Có phải chỉ một mình Giuđa là kẻ chịu trách nhiệm? Hay còn có các kinh sư và những người Pharisêu đã âm mưu đưa Người đến tay Philatô? Phải chăng chỉ dân Do Thái mới là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của Đấng Cứu Thế?

Thật xót xa biết bao khi chính người thân yêu lại phản bội mình. Chúa Giêsu, với tấm lòng bao dung, đã nhẹ nhàng nhắc nhở Giuđa, nhưng điều đó chẳng thể thay đổi được quyết định của ông. Từng cùng Chúa rong ruổi khắp nơi, rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, Giuđa được giao nhiệm vụ giữ tiền, chăm lo cho Thầy và các anh em. Ông đã từng cùng Thầy chấm chung một đĩa ăn, chia sẻ những khoảnh khắc thân tình. Vậy mà giờ đây, đôi tay ấy lại vươn ra, nhận lấy ba mươi đồng bạc để đổi lấy mạng sống của Người.

Bữa tiệc Vượt Qua lẽ ra phải là thời khắc hân hoan, khi dân Do Thái tưởng nhớ ngày Thiên Chúa dùng quyền năng giải thoát tổ phụ họ qua Biển Đỏ. Thế nhưng bầu không khí ấy trĩu nặng nỗi buồn khi Chúa tiên báo về kẻ sẽ phản bội Người. Phải trách ai đây? Trách Giuđa vì tham tiền mà bán Thầy? Trách người Pharisêu luôn tìm cách hãm hại Chúa? Nhưng chẳng phải chính con cũng góp phần vào đó sao?

Cái chết của Chúa Giêsu không chỉ dành cho dân Do Thái, mà là để mang ơn cứu độ đến cho toàn nhân loại – trong đó có con. Nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, nhân loại được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và quyền lực sự chết. Cây thập giá không chỉ là biểu tượng của đau thương, mà còn là chứng tích tình yêu vô biên Thiên Chúa dành cho con.

Trong chương trình cứu độ của Chúa, con cũng có mặt ở đó. Và mỗi lần con phạm tội, chẳng phải chính con cũng góp phần vào việc đóng thêm một chiếc đinh vào thân thể Chúa, làm vết thương Người thêm rỉ máu hay sao? Máu Người đã đổ xuống không chỉ vì thế gian, mà còn vì chính con – một kẻ yếu đuối, lỗi lầm.

Lạy Chúa Giêsu, đứng trước tình yêu vô biên của Chúa, con chỉ biết cúi đầu lặng lẽ. Cái chết của Chúa không chỉ là một biến cố đau thương trong lịch sử, mà là dấu ấn của một tình yêu tự hiến, một hy lễ cứu độ dành cho con và toàn thể nhân loại.

Chúa đã yêu thương đến cùng, ngay cả khi bị phản bội, bị chối từ. Ánh mắt của Chúa dành cho Giuđa hôm ấy cũng chính là ánh mắt đầy xót thương mà Chúa dành cho con hôm nay, khi con yếu đuối, khi con lầm lạc trong những chọn lựa của mình. Nhưng Chúa vẫn ở đó, vẫn yêu thương, vẫn chờ đợi con quay về.

Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra tình yêu của Chúa qua thập giá, biết mở ra để đón nhận lòng thương xót của Chúa. Xin giúp con biết sống xứng đáng với ơn cứu chuộc mà Chúa đã trao ban bằng chính giá máu của Ngài.

Chúa đã chịu chết vì con, xin cho con biết sống vì Chúa. Amen.

Maria Mỹ Linh

Chia sẻ bài viết:

Youtube: Cái chết của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với con?

Fanpace: Thân Hữu MTG Thủ Thiêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *