ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN TRIỂN NỞ ĐỜI SỐNG BẠN VÀ TÔI

    Có lẽ ở bất cứ quốc gia hay dân tộc nào trên thế giới, con người đều có những tín ngưỡng riêng của mình. Họ thường đặt niềm tin của mình vào một hoặc nhiều vị thần mà họ nghĩ rằng vị thần đó có thể bảo vệ họ và ban cho họ những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Cho nên mỗi khi có khó khăn, họ liền chạy đến cùng vị thần đó và khẩn nài xin ơn. Đó cũng là điều mà họ đã học được từ tôn giáo của mình. Sự thật thì bất cứ tôn giáo nào cũng dạy cho tín đồ của mình cách thức để nguyện xin. Nhờ thế, tôn giáo mới có thể phát triển và tồn tại lâu dài. Chắc hẳn khi nhắc đến cầu nguyện thì không phải là một vấn đề xa lạ với chúng ta. Bạn và tôi đểu hiểu rõ tầm quan trọng của việc cầu nguyện, dù bạn là ai người ngoại hay hay là người tin vào Thiên Chúa thì đều có thể cầu nguyện. Cầu nguyện cho bản thân, gia đình, đất nước và toàn thế giới. Ai cũng có thể cầu nguyện, nhưng không phải bất cứ ai cũng biết cách cầu nguyện cho xứng hợp. Theo các nhà chuyên gia về tâm lý học, hai con người không bao giờ có tư duy và nhận thức giống nhau hoàn toàn. Vì thế trong việc cầu nguyện, mỗi người đều có cách thức thực hiện khác nhau. Phần đông tín đồ thường “cầu xin” hơn là “cầu nguyện,” đó là một thực tế trong cuộc sống ngày nay. Cuộc sống thường có nhiều khó khăn, thử thách, gian truân, nên con người thường có xu hướng chạy đến với “vị thần” của mình và nài xin được giúp đỡ. Họ thường xin những gì có lợi cho chính họ mà thôi. Trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết: “Việc cầu nguyện vừa là tìm tòi Thiên Chúa, vừa là mặc khải Thiên Chúa. Nơi việc cầu nguyện của ta, Thiên Chúa tỏ rõ Ngài là Đấng Sáng Tạo và là Cha, là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa Cứu Thế, là Thần Khí “dò thấu mọi sự, cả đến những gì sâu xa nhất của Thiên Chúa” (1 Cr 2, 10), cũng như dò thấu những gì bí mật của tâm hồn. Trong việc cầu nguyện, trước hết, Thiên Chúa tỏ ra Ngài là tình thương xót, nghĩa là một Tình yêu đi tới gặp con người đau khổ. Tình yêu này nâng đỡ, vực dậy và mời gọi chúng ta hãy tin tưởng”.

    Đời sống cầu nguyện giúp con người gắn bó mật thiết và đặt niềm tin tuyệt đối vaò Đấng mà họ tôn. Ta thấy được ông Ápraham là khuôn mẫu đầu tiên của việc cầu nguyện được mạc khải trong Cựu Ước. Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, ông Ápraham đã để cho “sự lắng nghe của con tim quyết định tuân theo Thiên Chúa”. Ông đã tin tưởng và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, ông ra đi mà không biết đi đâu. Cầu nguyện giúp ta lắng nghe tiếng Chúa và mở rộng trái tim để chia sẻ tình yêu thương với mọi người. Điều mà con người cần thấu hiểu rõ nhất đó chính là chính mình, để được như vậy, con người cần có một khoảng thinh lặng từ bên ngoài và bên trong mới có thể nhìn sâu vào chính nội tâm của mình, đây cũng là lúc ta được nghỉ ngơi để nhìn lại chặng đường đã qua. Như Chúa Giêsu nói với các môn đệ “hãy vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Đây cũng là lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy vào nơi thanh vắng để nghỉ ngơi và bồi bổ sức lực.

    Cầu nguyện giúp ta sống tình huynh đệ, yêu thương và hòa hợp với người khác. Trong một bài giảng tĩnh tâm tôi có nghe về một câu nói “Đừng lên án hay trách móc một ai khi họ phạm tội vì ta chưa nằm trong hoàn cảnh đó.” Chỉ khi ta có đời sống cầu nguyện sâu xa kết hiệp với Chúa hằng ngày ta mới thấu cảm với anh chị em, ta mới có thể nhìn ra Chúa ở trong mọi người. Cầu nguyện giúp ta cảm được cái nghèo, sự bần cùng của con người, ta mới dang rộng cánh tay ra để đến với họ. Từ lời nói đến hành động đó là điều xa vời, đôi khi sự bác ái, lòng thương xót không chỉ là việc bố thí, nhưng cần đến sự chân tình và yêu thương từ con tim. Một xã hội có tình người sẽ không còn chiến tranh, không còn tệ nạn, phân biệt giai cấp. Gia đình có đời sống cầu nguyện sẽ không còn nạn li hôn, phá thai. Cộng đoàn các tu sĩ có đời sống cầu nguyện sẽ ấm cũng, thu hút được nhiều ơn gọi và thực sự là cộng đoàn có Chúa hiện diện. Vì thế, sau một ngày lao động vất vả nhọc nhằn, chúng ta chạy đến cùng Chúa Giêsu đang hiện diện nơi Bí tích Thánh Thể để thân thưa với Người những thành quả cũng như những khó khăn trong cuộc sống. Chúa Giêsu phải là Người bạn duy nhất của chúng ta, để khi vui cũng như lúc buồn chúng ta đều dễ dàng tâm sự, sẻ chia. Có nhiều lúc chúng ta cảm thấy cuộc sống quá đơn điệu, không thú vị gì khi ngồi cầu nguyện trước Thánh Thể. Lúc đó, ta không cần làm gì hết nhưng “Hãy nhìn vào Nhà Tạm và hãy để Chúa ngắm nhìn mình… thật đơn giản.”

    Là một tu sĩ, chúng ta phải nuôi dưỡng và sống thật tốt đời sống cầu nguyện. Vì “cầu nguyện làm cho trái tim chúng ta lớn lên” Đừng quá lo lắng về những công việc bác ái, giáo dục hay mục vụ… mà quên mất việc cầu nguyện nhưng “hãy nghỉ ngơi một chút” (Mc 6,31), hãy gửi trao cho Chúa tất cả, với niềm tin Chúa sẽ không bao giờ ngừng yêu ta; đó là lời Chúa Giê su khuyên bảo các môn đệ sau một ngày làm việc mệt mỏi. Chúng ta cảm nhận được những giây phút kỳ diệu ấy: được nâng đỡ, ủi an, và được tăng thêm nghị lực khi ta chán nản, buồn sầu vì bất cứ chuyện gì trong cuộc sống. Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, để chúng ta hiểu rằng chính chúng ta cũng đang hiện diện trong Chúa. Nếu như trước kia, tôi đến với Chúa vì những lợi ích của cá nhân tôi, thì giờ đây tôi đến với Người bằng cả niềm tin và tâm hồn. Tôi có thể cảm nhận được sự hiện diện sống động của Chúa nơi toàn bộ nhân sinh quan, nơi cộng đoàn, đặc biệt nơi những người anh em mà tôi đang sống chung.

    Lạy Chúa, khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người. Chúa ơi, con muốn được ở lại trong Chúa, để được lắng nghe, nhiều khi chỉ để chiêm ngắm và cảm nhận hạnh phúc được ở bên Ngài. Chính lúc đó, con được Chúa thương yêu và chỉ dạy nhiều điều. Chúa là tất cả con người của con: thân xác, trí khôn, tinh thần, suy nghĩ, tình cảm và hành động. Con muốn được ở với Ngài luôn mãi.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *