Thứ Hai Tuần V Mùa Phục Sinh Năm C – 19/05/2025 – Tình Yêu, Tự Do và Sự Sống

tình yêu, tự do và sự sống

TÌNH YÊU,  TỰ DO VÀ SỰ SỐNG

TIN MỪNG: Ga 14,21-26

21  Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”

22 Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian ?”

23 Đức Giê-su đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.

24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.

26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

SỐNG LỜI CHÚA

Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy.” (Ga 14,21)  lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Chúa nhật V Phục Sinh đưa chúng con bước sâu hơn vào mầu nhiệm Tình Yêu nơi Thiên Chúa. Phụng vụ trong tuần V mùa Phục Sinh  đang dẫn cộng đoàn tín hữu đến hai lễ trọng: Chúa Thăng Thiên và Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong hành trình này, Đức Kitô không chỉ tỏ lộ vinh quang Phục Sinh, nhưng còn mạc khải cho chúng con một lối sống: yêu mến bằng cách giữ Lời, và nhờ đó được đưa vào sự hiệp thông thần linh. Qua đó người Kitô hữu được đưa vào một tình yêu ba chiều kích: được Chúa Cha yêu mến, được Đức Giêsu yêu mến, và được đón nhận mặc khải: “Thầy sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”. 

Khởi đầu của hành trình trưởng thành trong yêu thương thường không bắt đầu bằng những điều dễ chịu. Nhiều khi, chính những tổn thương và mất mát lại mở ra không gian cho tình yêu Thiên Chúa bước vào. Tình yêu này không đơn thuần là cảm xúc, nhưng là một năng lực thiêng liêng, giúp chúng con  vượt qua thù hận và đổ vỡ:“Anh em hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Thánh Phaolô xác tín rằng: “Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7). Tình yêu ấy chữa lành tận gốc rễ sự tổn thương, và khơi mở khả năng yêu ngay cả những người làm chúng con  đau.

Khi tình yêu bắt đầu chữa lành, nó cũng mở ra khả năng hiệp thông. Trước hết là với tha nhân, nhưng sâu xa hơn là với chính Thiên Chúa. Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8) và nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con  khám phá ra một mô hình sống động của hiệp thông: không tách biệt, cũng không hòa lẫn, nhưng là sự hiệp nhất trong khác biệt.  Đó là sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Xin cho họ nên một như chúng chúng ta là một” (Ga 17,22).

Khi được đưa vào tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, con người dần khám phá ra một chiều kích mới của đời sống: đó là tự do đích thực. Không phải tự do để làm điều mình muốn, nhưng là tự do để làm điều thiện, để sống sự thật, để yêu không điều kiện. Giáo lý Hội thánh Công Giáo: “Tự do đích thực là khả năng chọn điều thiện” (GLCG 1733). Tình yêu thánh hóa tự do, và tự do trở thành khả năng để sống sự thật, để hiến thân, để đón nhận người khác như họ là.Và như thánh Augustinô từng nói: “Cứ yêu đi, rồi làm gì thì làm”; yêu ở đây là tình yêu trong Chúa, nơi tự do được thánh hóa, diễn tả sâu sắc sự tự do trưởng thành trong Đức Mến.

Chính khi tự do được thánh hoá bởi tình yêu, con người có thể trao ban chính mình, không phải vì họ hoàn hảo, mà vì được biến đổi. Như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói: “Tình yêu bắt đầu từ việc chịu đựng lỗi lầm của người khác.” Tình yêu thực sự biết chấp nhận cả những yếu đuối nơi mình và nơi người khác, không phán xét theo lý tưởng, nhưng nhìn bằng ánh mắt của lòng thương xót. Đó cũng là cách Thiên Chúa yêu mỗi người chúng con, không phải vì chúng con xứng đáng, mà vì Ngài là Đấng giàu lòng thương xót và trung tín. “Yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,31), nghĩa là không thể yêu người khác nếu không biết yêu mình cách lành mạnh. Từ việc yêu mình trong chân lý,chúng con mới có thể yêu tha nhân bằng tình yêu trưởng thành và không dính bén. Thần học Kitô giáo dạy rằng con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27) và vì thế, mỗi người có một phẩm giá bất khả xâm phạm.

Tuy nhiên tất cả những chiều kích trên của tình yêu sẽ không thể triển nở nếu thiếu một yếu tố thiết yếu: ơn ban của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, và cũng là Đấng làm cho tình yêu ấy tuôn đổ: “Tình yêu Thiên Chúa đổ vào lòng chúng con  nhờ Thánh Thần” (Rm 5,5). Ngài không chỉ là ngọn lửa đốt cháy tâm hồn chúng con trong những lúc sốt sắng, mà còn là sức mạnh âm thầm nâng đỡ trong lúc khô khan, thử thách. Khi mở lòng cho Thánh Thần, chúng con sẽ được Ngài dẫn dắt đến sự phân định, kiên vững trong đức tin và quảng đại trong tình yêu.

Mỗi người chúng con đều mang trong mình một khát vọng sống trọn vẹn: được yêu thương, được thấu hiểu và được sống đúng với căn tính của mình. Nhà tâm lý học Abraham Maslow đã mô tả tiến trình phát triển của con người qua “tháp nhu cầu” gồm nhiều tầng bậc, bắt đầu từ những nhu cầu căn bản như ăn uống, an toàn, đến những tầng cao hơn như được yêu, được kính trọng, và cuối cùng là được sống đúng với bản thân mình “tự hiện thực hóa”. Tuy nhiên, khi chiêm niệm hành trình này dưới ánh sáng Đức Tin, chúng con nhận ra: đích đến không chỉ là thành toàn bản thân, mà là được sống trong và sống nhờ Tình Yêu Thiên Chúa. Nếu chỉ dừng lại ở nhu cầu được chấp nhận hay được kính trọng, mà không hướng về Thiên Chúa là nguồn tình yêu, con người dễ rơi vào lệ thuộc, đánh mất bản thân hoặc sống thiếu tự do. Chỉ khi sống trong ánh sáng Lời Chúa, chúng con mới có thể yêu thương cách tự do và lành mạnh như lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Tầng “tự hiện thực hóa”, tình yêu thôi thúc con người sống đúng căn tính và sứ mạng của mình, sẵn sàng ra khỏi bản thân để phục vụ tha nhân, như chính Chúa Giêsu đã hiến mạng sống vì bạn hữu (x. Ga 15,13). Và khi chạm đến tầng siêu việt, tầng sâu nhất trong hành trình thành toàn, thì lúc ấy con người không chỉ sống trong tình yêu, mà còn được kết hiệp với Đấng là Tình Yêu. Khi tình yêu trở thành chính sự sống thiêng liêng của linh hồn, được gìn giữ và bừng cháy nhờ Thánh Thần, Đấng làm cho chúng con  yêu đến cùng như chính Chúa đã yêu.

Hành trình sống Lời Chúa hôm nay cũng là hành trình con người nên trọn trong  Tình yêu Thiên Chúa. Nhà tâm lý học Abraham Maslow nói đến sự “tự hiện thực hóa” như đỉnh cao của đời người; nhưng với ánh sáng đức tin, chúng con nhận ra: đích đến không chỉ là thành toàn bản thân, mà là hiệp thông trọn vẹn trong tình yêu Thiên Chúa, nơi con người sống không còn vì mình, mà để yêu, để trao ban, và trở nên “người con yêu dấu” trong Đức Kitô (x. Mt 3,17).

Lạy Chúa, xin cho chúng con hôm nay biết yêu như Chúa yêu, giữ Lời như Chúa đã giữ, và sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Xin cho cuộc đời chúng con trở thành chứng tá sống động cho Tình Yêu Phục Sinh,  một tình yêu vẫn tiếp tục tỏ mình ra cho thế gian qua những tâm hồn biết mở lòng đón nhận và gìn giữ Lời hằng sống. Amen

Catarina Siena Kim Chi

Chia sẻ bài viết:

Youtube: TÌNH YÊU,  TỰ DO VÀ SỰ SỐNG

Fanpace: Thân Hữu MTG Thủ Thiêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *