Thứ Ba Tuần V Mùa Phục Sinh Năm C – 27/05/2025 – Khi Thần Khí Đến

Khi Thần Khí đến

Khi Thần Khí Đến

TIN MỪNG: Ga 16,5-11

5Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: “Thầy đi đâu ? 6Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền.

7Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.

8Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: 9về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy;

10về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; 11về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.

SỐNG LỜI CHÚA

“Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy…” Chúa Giê-su nói đến sự ra đi của Người, một sự ra đi không phải là kết thúc, nhưng là khởi đầu cho sự hiện diện mới, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ. Chính Ngài là Đấng sẽ dẫn dắt các tín hữu đi vào sự thật trọn vẹn, giúp họ hiểu rõ bản chất của tội lỗi, sự công chính và sự xét xử trong ánh sáng của Thiên Chúa.

Cho nên, sự ra đi của Chúa Giêsu không khiến các môn đệ trở nên mồ côi, trái lại, mở ra một giai đoạn mới; là giai đoạn của Chúa Thánh Thần. Đấng Bảo Trợ là Ngôi Ba Thiên Chúa, hiện diện trong lòng thế giới và Giáo Hội để soi sáng, hướng dẫn, nhắc nhớ và ban ơn can đảm cho những ai muốn bước đi trong sự thật.

“… nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy;Chúa Thánh Thần không làm chứng về chính mình, nhưng làm chứng cho Chúa Giê-su, Đấng đến từ Chúa Cha. Và chính Chúa Giê-su, trong mọi lời giảng và hành động của mình, luôn quy hướng về Chúa Cha. Mẫu gương này mời gọi người tín hữu thoát khỏi sự quy ngã, tự khẳng định, để học biết sống vì tha nhân, và bước theo hành trình hiến thân.

Hậu hiện đại[1] là một trào lưu văn hóa, tư tưởng hình thành từ cuối thế kỷ 20, phản ứng lại thời hiện đại vốn nhấn mạnh vào lý trí, tiến bộ và hệ thống. Hậu hiện đại hoài nghi mọi chân lý tuyệt đối, đề cao cảm xúc cá nhân, tương đối hóa đạo đức, phá bỏ chuẩn mực, và thường dẫn đến sự hỗn loạn giá trị. Con người hậu hiện đại thích sống theo điều mình muốn, thích gì thì làm nấy, không còn bị ràng buộc bởi chuẩn mực luân lý hay lương tâm siêu nhiên. Trong một thế giới như thế, tội lỗi không còn được nhìn nhận là tội, mà chỉ là “lựa chọn cá nhân”; công chính không phải là theo thánh ý Thiên Chúa, mà là làm theo bản ngã; và sự xét xử, phán quyết luân lý thì bị coi là “phán xét người khác”.

Chính trong bối cảnh đó, vai trò của Chúa Thánh Thần trở nên rõ ràng: “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm…”. Đấng Bảo Trợ giúp người tín hữu phân định đâu là tội lỗi thật, đâu là công chính thật, và đâu là sự xét xử mang tính vĩnh cửu. Ngài soi sáng lương tâm, khơi lên trong lòng người khát khao sự thật và công lý. Ngài giúp chúng ta lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa vượt lên trên những tiếng ồn của xã hội hậu hiện đại, nơi mà sự giả dối thường được nguỵ trang bằng sự “tự do cá nhân”.

Giáo Hội Công Giáo không đứng ngoài trào lưu hậu hiện đại, nhưng được mời gọi trở thành dấu chỉ ngôn sứ giữa lòng thế giới hỗn độn đó, bằng việc sống theo Thần Khí. Các thông điệp như Chân lý rạng ngời (Veritatis Splendor, 1993) của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, hay ” Niềm vui Tin Mừng ” (Evangelii Gaudium, 2013) của Đức Phanxicô đều nhấn mạnh rằng: sự thật không phải là sản phẩm của đa số, mà là một ngôi vị của chính là Chúa Giê-su Ki-tô. Tin vào sự thật ấy, người Kitô hữu được kêu gọi sống nghịch dòng, bước đi trong đức tin, can đảm làm chứng giữa một thế giới hoài nghi và tương đối hóa.

 Lạy Chúa,Trong một thế giới đang quay cuồng giữa muôn vàn tiếng nói đối nghịch, giữa chủ nghĩa hoài nghi và những giá trị bị đảo lộn, người môn đệ của Chúa được mời gọi bước đi trong ánh sáng của Thần Khí;  không chỉ bằng tri thức loài người, mà bằng trái tim biết lắng nghe và phân định trong đức tin. Khi Thần Khí đến, Người không chỉ soi sáng lẽ thật, mà còn trao ban can đảm để sống và làm chứng cho sự thật ấy giữa một thế giới đầy lầm lạc.

Lạy Chúa Thánh Thần, Xin Ngài đến và đổi mới trái tim chúng con.

Xin ban cho chúng con ơn phân định để nhận ra điều gì đẹp lòng Chúa, ơn can đảm để chọn sống theo sự thật và ơn khiêm nhường để từ bỏ cái tôi, mở lòng đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Dù thế gian có hoài nghi, xin cho chúng con vững tin rằng: Chân lý không phải là một ý tưởng, mà là một Ngôi Vị mà chính là Đức Giê-su Ki-tô. Nguyện xin Thần Khí Chúa luôn đồng hành để giúp chúng con can đảm ‘ra đi’, chấp nhận ‘chết đi’ mỗi ngày cho cái tôi ích kỷ, để nhường chỗ cho tình yêu và chân lý của Chúa được lớn lên trong từng chọn lựa nhỏ bé mỗi ngày. Amen.

Maria Cẩm Hường

[1] Jean-François Lyotard – The Postmodern Condition: A Report on Knowledge (1979): “sự hoài nghi đối với các đại tự sự” (incredulity toward metanarratives), tức là nghi ngờ những hệ tư tưởng toàn trị như chủ nghĩa tiến bộ, lý trí khai sáng, hoặc sự thật tuyệt đối.

Zygmunt Bauman – Postmodern Ethics (1993): sự tương đối hóa đạo đức trong bối cảnh hậu hiện đại: con người không còn bám vào một chuẩn đạo đức tuyệt đối nào, mà hành động theo cảm xúc, sở thích cá nhân.

Fredric Jameson – Postmodernism, or, The Cultural Logic of Late Capitalism (1991): mô tả hậu hiện đại như một giai đoạn văn hóa của chủ nghĩa tư bản muộn, nơi mọi giá trị bị “hàng hóa hóa”, và tính sâu sắc bị thay thế bởi sự giải trí tức thời. Ông nói đến sự lẫn lộn giá trị, phá vỡ hệ thống, đánh mất chiều sâu, và xu hướng cắt dán, vay mượn lẫn lộn.

Chia sẻ bài viết:

Youtube: Khi Thần Khí Đến

Fanpace: Thân Hữu MTG Thủ Thiêm

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *