Mở Lòng Ra Để “Thấy” và “Nghe”
TIN MỪNG: Mt 13, 10-17
10 Khi ấy, các môn đệ đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: “Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?”11 Người đáp lại: “Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết.12 Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi.13 Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết.14 Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì.15 Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai, và nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành”.
16 “Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe17 Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe”.
SỐNG LỜI CHÚA
Các môn đệ đã từng thắc mắc: “Tại sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Câu hỏi này cũng là nỗi băn khoăn của nhiều người hôm nay. Chúa Giêsu trả lời rằng: Người dùng dụ ngôn không phải để giấu, mà để mời gọi người nghe bước vào một chiều sâu nội tâm. Ai có lòng khao khát, ai thực sự tìm kiếm, thì sẽ được hiểu; còn ai đã đóng kín lòng mình, thì dù có tai cũng không nghe, có mắt cũng không thấy. Trong hành trình đức tin, nhiều lần chúng con nghe Lời Chúa nhưng lại không cảm thấy gì, chẳng hiểu gì, cũng chẳng nhớ được điều gì. Có phải vì lời Chúa quá khó hiểu? Có phải vì Chúa không muốn cho chúng con hiểu? Bài Tin Mừng hôm nay đặt ra những thắc mắc quen thuộc đó. Khi Chúa Giêsu nói rằng Người giảng bằng dụ ngôn, khiến nhiều người “nghe mà không hiểu”, “nhìn mà không thấy”, chúng con dễ bị dao động, thậm chí cảm thấy ngỡ ngàng. Thế nhưng, nếu lắng nghe sâu hơn, chúng con sẽ thấy: chính đoạn Tin Mừng này lại là lời mời gọi đầy yêu thương để chúng con biết mở lòng ra, khao khát và gắn bó với Lời Chúa như nguồn sống của mình.
Chúa nhắc lại lời sấm của ngôn sứ Isaia: “Lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai, và nhắm mắt lại…” Không phải Thiên Chúa không cho họ hiểu, nhưng vì họ cố tình không muốn nghe, không muốn thấy. Sự mù lòa ấy là hậu quả của một con tim khép kín, một tâm hồn không muốn hoán cải. Chúa Giêsu vẫn luôn yêu thương, vẫn giảng dạy, vẫn kiên nhẫn dùng dụ ngôn để gieo Lời vào lòng mỗi người, mong rằng có người sẽ tỉnh thức, sẽ mở lòng ra để hiểu và sống Lời của Người. Ngược lại, Chúa Giêus nói với các môn đệ và nói cho cả chúng con hôm nay rằng: “Phúc cho mắt các con vì được thấy, cho tai các con vì được nghe”. Các môn đệ thật có phúc vì được nghe chính Chúa giảng dạy và còn phúc hơn khi họ tin và thực hành những gì đã nghe. Mỗi ngày, chúng con cũng được nghe Lời Chúa trong các bài đọc, trong Thánh Lễ, trong Kinh Thánh. Nhưng có khi nào ta chỉ nghe cho qua, mà lòng vẫn khép lại?
Lời Chúa là ánh sáng và sự sống. Nhưng ánh sáng chỉ chiếu soi nơi nào mở cửa lòng ra đón lấy ánh sáng ấy. Còn nếu chúng con cứ nhắm mắt và khép lòng lại, thì dù ánh sáng của Chúa có chói lòa đến mấy, chúng con vẫn chìm trong bóng tối. Cũng vậy, ân sủng Chúa luôn gần gũi, nhưng nếu lòng người khép kín, thì ân sủng ấy không thể phát huy hiệu quả trong cuộc đời họ. Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn mời gọi và chờ đợi chúng ta mở lòng đáp lại. Càng sống theo Lời Chúa, chúng ta càng được dẫn dắt vào mầu nhiệm Nước Trời.
Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn như một cách kể chuyện đơn giản, gần gũi và dễ hiểu, để diễn tả những chân lý sâu xa của Nước Trời. Đây là ngôn ngữ giàu hình ảnh, thân mật và đầy tính gợi mở, giúp người nghe dễ tiếp cận. Tuy nhiên, để thật sự hiểu được ý nghĩa của các dụ ngôn, con người không chỉ cần trí thông minh hay kiến thức, mà còn cần có một tâm hồn rộng mở, một tâm hồn biết lắng nghe, khiêm tốn và khao khát tìm kiếm chân lý. Dụ ngôn chỉ thật sự được sáng tỏ khi người nghe bước vào mối tương quan mật thiết với chính Chúa Giêsu, Đấng mạc khải những mầu nhiệm ẩn giấu nơi lời kể giản dị ấy. Chính sự khao khát đó là dấu chỉ cho thấy chúng con mong muốn thuộc về Chúa hay không. Nếu còn dửng dưng, chúng con vẫn còn ở “ngoài cuộc”. Nhưng nếu đã bắt đầu muốn nghe, muốn hiểu, muốn sống theo Lời Chúa, thì chúng con đã là người được Chúa cho “thấy” và “nghe”. Chúa Giêsu kết thúc đoạn Tin Mừng bằng một lời tuyên bố đầy yêu thương: “Nhiều ngôn sứ và người công chính đã ao ước được thấy điều các con thấy mà không được thấy.” Chúng con đang sống trong một thời đại được đầy ơn phúc vì có Lời Chúa, có Giáo Hội, có các phương tiện dạy dỗ đức tin. Nhưng không phải ai cũng nhận ra hồng ân ấy.
Lạy Chúa, bao lần con tự hào là người có đạo, nhưng lại không sống như một người có đức tin. Con đã bịt tai trước lời Chúa, đã nhắm mắt để khỏi nhìn thấy những đòi hỏi của Tin Mừng. Con đã khép lòng để khỏi phải yêu thương anh chị em. Xin tha thứ cho con, xin dạy con biết mở lòng, biết lắng nghe, học hỏi và sống Lời Chúa như nguồn sống đích thực mỗi ngày. Amen.
Mad Minh An
Chia sẻ bài viết:
Youtube: Mở Lòng Ra Để “Thấy” và “Nghe”
Fanpace: Thân Hữu MTG Thủ Thiêm
Tin cùng chuyên mục:
Thứ Năm Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm C – 24/07/2025 – Mở Lòng Ra Để “Thấy” và “Nghe”
Thứ Tư Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm C – 23/07/2025 – Lời Chúa- Hạt Giống Của Sự Sống
Thứ Ba Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm C – 22/07/2025 – Lòng Yêu Mến
Thứ Hai Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm C – 21/07/2025 – Chúa Hiện Diện Trong Đời Sống Của Con