• Trang chủ
  • DI SẢN MTG
  • NHỮNG NGƯỜI MẾN THÁNH GIÁ TRONG TƯ TƯỞNG ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE ( Dẫn Nhập)

NHỮNG NGƯỜI MẾN THÁNH GIÁ TRONG TƯ TƯỞNG ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE ( Dẫn Nhập)

Hội Những Người Mến Thánh Giá do Đức cha Pierre Lambert de la Motte thành lập để “phổ biến khắp nơi tình yêu thực tiễn đối với Thánh giá Con Thiên Chúa” và góp phần vào việc canh tân công cuộc Phúc âm hóa tại Á châu.

“Vì ý định của Con Thiên Chúa khi chịu chết để cứu độ nhân loại là đòi buộc mọi người phải chết đi đối với chính mình, và chỉ sống cho Chúa theo giáo huấn của Thánh Phaolô (2 Cr 5, 15) […]. Chính trong quan điểm này, đã từ nhiều năm nay, chúng tôi tìm những phương thế có thể dẫn đưa các tín hữu đến công cuộc cao cả như vậy, và chúng tôi cảm thấy được thôi thúc nên thành lập ở khắp mọi địa sở thuộc các miền truyền giáo của chúng tôi HỘI NHỮNG NGƯỜI MẾN THÁNH GIÁ”.Đức cha Pierre Lambert de la Motte (AMEP, T. 663, tr. 7; T. 677, tr. 209)

DẪN NHẬP

Hội Những Người Mến Thánh Giá do Đức cha Pierre Lambert de la Motte thành lập để “phổ biến khắp nơi tình yêu thực tiễn đối với Thánh giá Con Thiên Chúa” và góp phần vào việc canh tân công cuộc Phúc âm hóa tại Á châu. Có thể nói tổ chức này là một trong những lý tưởng, những ước mơ lớn nhất trong sự nghiệp truyền giáo của Đức cha Lambert.

Chúng ta sẽ thấy một bước tiến khá rõ nét trong tư tưởng của Đức cha Lambert về việc hình thành các tổ chức Những Người Mến Thánh Giá. Ban đầu, ngài chỉ quy tụ những người làm việc tông đồ, đang dấn thân cho công cuộc truyền giáo: các giám mục, linh mục, tu sĩ các Dòng…, dần dần mở rộng ra cho tất cả mọi người, không phân biệt địa vị, giới tính, điều kiện xã hội. Tu hội Nữ Mến Thánh Giá là tổ chức thứ ba được ngài thành lập trong đại Gia đình Những Người Mến Thánh Giá.

Xét về tên của Hội[1], trong các tài liệu viết vào năm 1662, 1668, 1670, Đức cha Lambert luôn dùng cách gọi: ‘Hội Những Người Mến Thánh Giá’[2], thường được dịch là Hội Mến Thánh Giá; thỉnh thoảng ngài thêm tên Chúa: Hội Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô[3].

Năm 1664, Đức cha Lambert mời gọi anh em cộng sự lập Hội Mến Thánh Giá, anh em đồng ý nhưng chọn tên Hội Tông Đồ, tuy vậy họ vẫn là Những Người Mến Thánh Giá[4].

Năm 1670, Đức cha Lambert đệ trình lên Đức Thánh cha xin phê chuẩn Hội Mến Thánh Giá dành cho tín hữu và Tu hội Nữ Mến Thánh Giá, ngài phân biệt hai tổ chức này với tên đầy đủ, chi tiết, ghi bằng tiếng Latinh:

– ‘Hội Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô’(Societas fidelium utriusque sexus Amantium Crucis Domini Nostri Jesu Christi)[5];

– ‘Quy chế các trinh nữ và phụ nữ đạo đức, dưới tên gọi Tu hội Chị Em Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô’ (Institutum piarum virginum ac mulierum sub titulo Amantium Crucis Domini Nostri Jesu Christi congregatarum)[6].

Đối với nhánh dành cho tín hữu, dung hòa giữa hai cách gọi giản lược và đầy đủ, có thể chọn tên: Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá và thêm địa danh vào sau đó, chẳng hạn Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

Đồng thời, từ ‘Hội’ được chọn thay cho ‘Hiệp hội’, vì hai lý do:

– Đức cha Lambert trình bày song song hai tổ chức có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Cả hai đều được ngài gọi là ‘Congrégation’.

Nếu Congrégation Apostolique dịch là HỘI Tông Đồ, thì Congrégation des Amateurs de la Croix cũng được dịch đồng nhất là HỘI Mến Thánh Giá.

– Ngoài ra, từ ‘Hội’ được dùng để đặt các tổ chức của Đức cha Lambert trong tổng thể các tu đoàn tông đồ thành lập vào thế kỷ XVII:

Hội Xuân Bích (Compagnie des prêtres de Saint Sulpice)

Hội Nguyện Đường (Congrégation de l’Oratoire)

Hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn (Congrégation de la Mission du saint Vincent de Paul)

Hội Mến Thánh Giá (Congrégation des Amateurs de la Croix)

Hội Tông Đồ (Congrégation Apostolique)

Trong phần chia sẻ này, chúng tôi trình bày lược sử hình thành, quan niệm và ý hướng của Đức cha Lambert khi thành lập các tổ chức Mến Thánh Giá[7].

Tư tưởng Đức cha Lambert de la Motte được ghi dấu từ quê hương Normandie của ngài, được khắc sâu cùng với kinh nghiệm bản thân qua ba giai đoạn cuộc đời: giáo dân trong vai trò thẩm phán, linh mục phục vụ người nghèo và Giám mục xây dựng các Giáo hội địa phương. Chúng tôi gợi lại ba giai đoạn này, vì chúng gắn liền với sự tiến triển đặc biệt trong tư tưởng của Đức cha Lambert liên quan đến Những Người Mến Thánh Giá.

Từ ơn linh hứng nhận được lúc lên 9 tuổi, cậu bé Lambert đã gìn giữ, bảo bọc, nuôi dưỡng hạt giống ấy trong tâm hồn cho đến khi gặp được mảnh đất Chúa trao. Lúc đầu, Hội chỉ giới hạn cho những người làm việc tông đồ, có đời sống nhân đức trổi vượt, dần dần mở rộng đến mọi Kitô hữu, mọi thành phần, không phân biệt giới tính, địa vị, điều kiện cũng như chức vụ trong Giáo hội và xã hội. Có năm giai đoạn đáng lưu ý trong tiến trình hình thành và phát triển Hội Mến Thánh Giá.

Nữ Tu Marie Fiat Tuyết Mai, MTG Thủ Thiêm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *