• Trang chủ
  • Uncategorized
  • NHỮNG NGƯỜI MẾN THÁNH GIÁ TRONG TƯ TƯỞNG ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE (5)

NHỮNG NGƯỜI MẾN THÁNH GIÁ TRONG TƯ TƯỞNG ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE (5)

TẠI ROMA, NĂM 1678-1679

a. Dâng thỉnh nguyện

Trước khi tìm hiểu Tông thư phê chuẩn và ban ân xá của Tòa thánh, chúng ta cùng đọc qua nội dung lá thư Đức cha Lambert viết ngày 12-10-1670, đệ trình lên Đức Giáo hoàng Clément IX:

“Con đệ trình Đức Thánh cha Bản Luật Sống của hai tổ chức: Một tổ chức đã được thiết lập để giúp ích cho dân Kitô giáo trong những địa sở của các miền truyền giáo. Thật vậy, vì có những người mang nặng một tình yêu đặc biệt đối với cái chết và Thập giá của Chúa Giêsu, nên không có gì hợp lý bằng việc cổ võ lòng sùng kính vững chắc như thế. Dù rằng, tổ chức này đã được nhiều người chấp nhận, nhưng vẫn cần sự phê chuẩn của Toà thánh và các ân xá mà Đức Thánh cha khấng ban cho những ai gia nhập, để họ đạt được ân sủng viên mãn và sự vững mạnh cần thiết. Tổ chức thứ hai được lập ra để mưu ích cho những phụ nữ đạo đức ở Đàng Ngoài, mà từ nhiều năm rồi, dường như đang chờ đợi một ai đó chỉ vẽ cho họ con đường dẫn tới đời sống trọn lành hơn”[32].

Đức cha Lambert cũng gửi thư cho cha Lesley, người đang làm việc trong Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin, xin ngài hỗ trợ thêm cho việc xin phê chuẩn hai tổ chức Mến Thánh Giá[33].

Các lá thư và hai Bản Luật trên có về đến Roma cùng lúc với các Nghị quyết của Công nghị Phố Hiến không? Chính Đức cha Lambert cũng không nhận được hồi âm về điều này. Sau hơn 4 năm chờ đợi, Đức cha Lambert chỉ nhận được bản phê chuẩn Nghị quyết Công nghị Phố Hiến, do Đức Giáo hoàng Clément X ký ngày 23-12-1673, trong đó những gì liên quan đến Hội Tín hữu Mến Thánh Giá không còn tồn tại trong bản văn.

Lúc bấy giờ, cụm từ ‘Mến Thánh Giá’ khá nhạy cảm đối với các thành viên thuộc Chủng viện Paris, kể cả các quy luật do Đức cha Lambert đề nghị, vì các ngài phản bác Hội Tông đồ. Các ngài hiểu lầm cho rằng Đức cha Lambert muốn chuyển Chủng viện Thừa sai thành một Dòng tu của Những Người Mến Thánh Giá, trong khi Đức cha Lambert cho phép nhận cả các trinh nữ vào Hội Tông Đồ, thì nó không thể là Dòng tu. Họ đã làm tất cả những gì có thể để Tòa thánh không phê chuẩn Hội Tông Đồ. Cuối cùng, Hội Tông đồ bị Rôma bãi bỏ. Đây là một đề tài rất tế nhị và phức tạp.

Ngày 09-01-1672, cha Charles Sevin được Đức cha Pallu phái về Châu Âu, làm việc với các cha ở Chủng viện Paris dựa theo các chỉ thị của Đức cha Pallu đưa ra[34], trước khi trình mọi vấn đề lên Tòa thánh. Chúng ta không biết Paris hay Rôma đã loại bỏ tất cả những gì liên quan đến tên gọi và tinh thần Mến Thánh Giá trong bản văn của Nghị quyết Công nghị Phố Hiến?

Phải chờ đến dịp Đức cha Pallu đến Roma ngày 03-6-1677, trong thời gian này, ngài có dịp trình bày trực tiếp cho Đức Giáo hoàng và Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin các ‘Hiệp Hội’ Mến Thánh Giá do Đức cha Lambert thiết lập, đồng thời xin các ngài phê chuẩn, ban ân xá. Chắc chắn Đức cha Pallu trình bày Tu hội Nữ Mến Thánh Giá như một Hiệp hội, vì chính ngài đã viết điều đó.

b. Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin chấp thuận

Ngày 28-8-1678, Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin chấp thuận ban ân xá liên quan đến việc xin thành lập các tổ chức Mến Thánh Giá, mục 8 nêu rõ: “Đối với lời thỉnh cầu ban ân xá cho những Huynh đệ Đoàn do các vị Đại diện Tông toà thiết lập tại Đàng Ngoài và Đàng Trong dưới danh hiệu Những

Người Mến Thánh Giá tại những địa sở của các ngài, thì nên ban ân xá thông thường. Nói rõ hơn:

– Ơn Toàn xá:

vào ngày gia nhập, lúc cận tử, một ngày lễ Trọng do vị Đại diện Tông tòa ấn định.

– Ơn Tiểu xá: vào các ngày lễ Hiển Linh, Truyền Tin, hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, Thiên Thần Hộ Thủ và khi mỗi thành viên của những Huynh đệ Đoàn nói trên thực thi cách thông thường các nhiệm vụ và các việc đạo đức.

Thánh bộ đã chấp thuận nên ban ân xá theo đơn thỉnh cầu và kính chuyển tới văn phòng thư ký Thánh bộ Ân xá”[35].

c. Đức Thánh cha phê chuẩn và ban ân xá

Ngày 02-01-1679, Đức Giáo hoàng Innocent XI ban Tông thư xác nhận các Hội Mến Thánh Giá và đồng ý ban ân xá theo đề nghị ngày 28-8-1678 của Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin.

Đức Thánh cha nhấn mạnh đến khía cạnh hoàn toàn phù hợp Giáo luật đối với các Hội Mến Thánh Giá đã thành lập và sẽ được lập trong tương lai, đồng thời ngài triển khai chi tiết tất cả các ân xá được thuận ban với những điều kiện cụ thể: thật lòng sám hối, xưng tội, hiệp lễ; khi không thể thì sám hối, sốt sắng kêu tên cực trọng Chúa; trong những ngày lễ đặc biệt được ấn định, cần kính viếng các nhà thờ, nhà nguyện:

– Ơn Toàn xá: ngày gia nhập, lúc cận tử, và một ngày được các vị Đại diện Tông tòa ấn định;

– Ân xá bảy năm bảy mùa: vào 4 ngày lễ được các vị Đại diện Tông tòa ấn định trong năm;

– Ân xá 60 ngày đền tội, mỗi khi thực hành một trong các việc như: tham dự Thánh lễ hay đọc kinh Phụng vụ; đón tiếp người nghèo; hòa giải các kẻ thù nghịch; tham dự lễ An táng người qua đời; tham dự các buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa; tham gia đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, nếu gặp ngăn trở, khi nghe chuông báo tử, đọc 1 kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng; đọc 5 kinh Lạy Cha, 5 kinh Kính Mừng cầu cho linh hồn hội viên qua đời; đưa người lạc lối về đường phần rỗi; dạy kẻ mê muội điều cần thiết cho phần rỗi; làm việc đạo đức và bác ái, hiệp thông với công việc của các thành viên trong Hội[36].

Đức Thánh cha còn nêu rõ:

“Những điều khấng ban vĩnh viễn được trình bày trong tài liệu này sẽ tiếp tục hợp thức hóa trong tương lai. Tuy nhiên, nếu có những ân xá khác được thuận ban vĩnh viễn, hay một thời hạn trong tương lai, cho các thành viên của những Hội được ứng dụng các khoản trên, chúng tôi xác nhận các điều ban trước sẽ nên vô hiệu; cũng vậy, nếu các Hội trên sáp nhập vào một Tổng Hội khác, hay dự kiến sáp

nhập trong tương lai, dù với bất cứ lý do nào, với bất kỳ Hội nào, thì các Tông thư này hay các bản khác không còn ứng dụng nữa và lúc đó chúng phải được xem là vô hiệu”[37].

Với Tông thư trên, Hội Mến Thánh Giá đã được phê chuẩn, ý tưởng mà Đức cha Lambert nuôi dưỡng suốt 46 năm đã thành hiện thực. Sáu tháng sau, ngài an bình trở về với Chúa. Thân xác của ngài được an táng trong Nhà thờ Thánh Giuse tại Ayutthaya, Xiêm La.

Thế nhưng, những cuộc bách hại đạo liên tục diễn ra trong suốt 200 năm, các thừa sai bị trục xuất; chị em Dòng Mến Thánh Giá bị phân tán, nhưng rồi quy tụ lại; còn Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá mai một từ lúc nào không ai biết. Đến nay các sử gia chưa tìm thấy vết tích gì của Hội.

d. Ứng dụng trong thực tế hôm nay

Tông thư của Đức Giáo hoàng Innocent XI phê chuẩn và ban các ân xá là một tài liệu pháp lý rất quan trọng đối với Dòng Nữ Mến Thánh Giá cũng như Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá. Dựa vào nội dung văn thư, chúng ta có thể rút ra một số kết luận cụ thể như sau:

– Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá là một Hội công, có tư cách pháp nhân, vì được Giám mục thiết lập. Tuy nhiên, có lẽ vì chiến tranh và bách hại đạo, Hội biến mất hoàn toàn trong lịch sử hơn 300 năm qua. Dựa theo Giáo luật điều 120, §l:

“Pháp nhân tự bản chất là vĩnh viễn; tuy nhiên, pháp nhân cũng chấm dứt, nếu bị nhà chức trách có thẩm quyền chính thức bãi bỏ, hoặc đã ngưng hoạt động từ một trăm năm”.

Như thế, tư cách pháp nhân của Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá đã chấm dứt, các ân xá được ban cũng không còn hiệu lực.

Để phục hồi Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá, chính Đức Giám mục Giáo phận ra Nghị định Thiết lập, bảo đảm tư cách pháp nhân công của Hội. Đồng thời, để các hội viên được hưởng các ân xá riêng như trước đây, các chị Tổng Phụ trách với phép của Đức Giám mục Giáo phận, đệ trình Thỉnh nguyện lên Tòa Ân Giải ở Rôma qua Chủ tịch của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

– Riêng đối với Dòng Nữ Mến Thánh Giá, mặc dù vẫn trường tồn qua bao thăng trầm lịch sử, nhưng các ân xá trên cũng không còn hiệu lực, vì lúc bấy giờ, ‘Tu hội Nữ’ được phê chuẩn và ban ân xá như một Hiệp hội, ngày nay cơ cấu này đã hoàn toàn thay đổi, Dòng Mến Thánh Giá là một Dòng tu thực thụ trong Giáo hội, theo đúng quy định của Giáo luật.

 Nữ Marie Fiat Tuyết Mai, MTG Thủ Thiêm

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[32] P. LAMBERT DE LA MOTTE, Thư đệ trình Đức Giáo hoàng, ngày 12-10-1670, AMEP, T. 650, tr. 185-186; NNC, TT Bút tích, tr. 99-100.

 

[33] Nt., Thư gửi cha Lesley, 20-10-1670, AMEP, T. 858, tr. 189; T. 876, tr. 631-633; x. TT Bút tích, tr. 104-105.

 

[34] François PALLU, Lettres de Monseigneur Pallu, tr. 184, n° 57, Thư Đức cha Pallu viết tại Surate, ngày 24-01-1672, gửi Cha Bésard (AMEP, T. 107, tr. 154), Instructions pour les Procureurs des affaires de la Mission de la Chine, Cochinchine, Tunquin, tant en France qu’à Rome, tr. 160-183.

 

[35] A. LAUNAY, Histoire de la mission du Tonkin, Documents historiques 1658-1717, Paris, MEP-Les Indes savantes, 2000, tr. 108-109 (Decretum, ngày 28-8-1678, n° 8, AMEP, T. 204, tr. 461; T. 276, tr. 97); NNC, TT Bút tích, tr. 203.

 

[36] SAINT-SIÈGE, Collectanea constitutionem, decretorum, indultorum ac instructionum Sanctae Sedis(Bộ Sưu tập các Tông hiến, sắc lệnh, đặc pháp, huấn thị của Tòa Thánh), Parisiis, Typis Georges Chamerot, 1880, n° 641, tr. 310; x. NNC, TT Bút tích, tr. 207-209.

 

[37] Nt.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *