KẾT LUẬN
Vào thế kỷ XVII, trước cánh đồng truyền giáo bao la của vùng Đông Nam Á, cùng với thực trạng non yếu, không chỉ nơi các cộng đoàn Kitô giáo sơ khởi mà cả nơi các thừa tác viên Tin Mừng, Đức cha Lambert nhận được đặc sủng thiết lập các tổ chức Những Người Mến Thánh Giá, sống tốt hơn sứ vụ tông đồ để loan báo Phúc âm qua sự hiệp thông và đời sống chứng nhân, góp phần xây dựng Giáo hội địa phương. Các nữ tu còn dấn thân phục vụ ưu tiên cho giới nữ.
Trong khi các tôn giáo ở Á châu đặt nền tảng trên triết lý, luân lý, Đức cha Lambert đặt nền tảng trên đức tin; trong khi người ta đề cao công trạng cá nhân, Đức cha Lambert đề cao ân sủng; trong khi người ta ra sức nỗ lực tự cứu mình, Đức cha Lambert mời gọi mọi người đón nhận ơn cứu độ được trao ban một cách nhưng không, nhờ cái chết của Đức Kitô trên Thập giá. Vì thế, điều Đức cha Lambert quan tâm là tìm cách trình bày một gương mặt Kitô giáo đích thực, đặt nền tảng trên cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô. Đó là điểm thiết yếu trong giáo huấn của chính Chúa Giêsu, được các thánh Tông đồ triển khai sâu rộng, đặc biệt là hai thánh Phaolô và Gioan. Những Người Mến Thánh Giá là những tâm hồn tin nhận và bày tỏ lòng tri ân đối với Đức Giêsu-Kitô, Đấng đã yêu nhân loại đến chết trên Thập giá. Họ hợp thành một Giáo hội truyền giáo để loan báo tình yêu và ơn cứu độ của Chúa bằng chính đời sống chứng nhân của mình.
Hội Những Người Mến Thánh Giá quy tụ tất cả những người nam nữ đã được tái sinh nhờ phép Rửa, ước ao dâng mình hoàn toàn cho Thiên Chúa, được mời gọi đến sự thánh thiện với ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đức cha Lambert triển khai rõ lý do thúc đẩy họ thi hành việc đánh tội mà ngài gọi là ‘hy lễ ban chiều’[43]. Đức cha Lambert cảm thấy được thúc đẩy từ bên trong để hiến dâng thân xác mình cho Đức Kitô. Theo ngài, sự góp phần vào việc cứu độ thế giới diễn ra nhờ thái độ của mỗi người hoàn toàn phục tùng Chúa Thánh Thần và ân sủng của Người, đến mức Đức Kitô có thể tự do thể hiện mình trong thân thể của những người đã lãnh nhận phép Thánh Tẩy, sống và hành động trong họ, đau khổ và chết trong họ. Ngài đề nghị lặp lại mỗi ngày tâm thế sẵn sàng cho một sự lụy phục như thế, qua ‘hy tế ban chiều’.
Chính trong Thánh lễ, với sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong chúng ta và trong Giáo hội, là nơi diễn ra mỗi ngày sự gặp gỡ và phối hợp của hai hy lễ, hy lễ của Đức Kitô và hy lễ của chúng ta. Là một Giám mục truyền giáo, tình yêu Thánh Giá đối với Đức cha Lambert không còn dừng lại ở nỗ lực hoàn thiện cá nhân, nhưng được liên kết với ước muốn cứu độ các linh hồn. Bây giờ, đối với ngài, các thừa sai vừa là những “thành viên” vừa là người “chỉ đạo” Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá, đồng thời nhờ hy tế của mình họ trở thành những “vị cứu thế”[44] trong Đức Giêsu-Kitô. Họ có nhiệm vụ quy tụ tất cả những chi thể của Giáo hội địa phương xung quanh sứ mạng này, để phản chiếu gương mặt đích thực của ‘Dân Thiên Chúa’.
Nữ Tu Marie Fiat Tuyết Mai, MTG Thủ Thiêm
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[43] Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, La mission continue de Jésus selon Mgr Lambert de la Motte (1624-1679) et le renouveau de la mission en Asie, Cerf Patrimoine, 2016, tr. 278.
[44] P. LAMBERT DE LA MOTTE, AMEP, T. 876, tr. 566 ; T. 121, tr. 761.
Tin cùng chuyên mục:
Chúa Nhật Phục Sinh Năm C- 20/04/2025 – Đấng Phục Sinh vẫn đang chờ con
Thứ Bảy Tuần Thánh Năm C – 19/04/2025 – Bảy Sự Thương Khó Của Mẹ Maria Bên Người Con Yêu Dấu
Thứ Sáu Tuần Thánh Năm C – 18/04/2025 – Cùng Chúa lên đồi Golgotha
Thứ Năm Tuần Thánh Năm C- 17/04/2025 – Bữa Tiệc Ly – Nơi Bắt Đầu Một Tình Yêu Vĩnh Cửu