Mỗi tôn giáo có hình thức cầu nguyện riêng để diễn tả niềm tin và lòng yêu mến với Đấng họ tôn thờ. Cũng vậy, đời sống cầu nguyện giữ vị trí quan trọng trong đời sống của người Kitô hữu nói chung và người chị em Mến Thánh Giá nói riêng, vì cầu nguyện diễn tả chiều kích tâm linh và cầu nguyện như sợi dây thiêng liêng nối kết con người với Thiên Chúa. Do vậy, đây như một cơ hội để củng cố sợi dây thiêng liêng đó qua mẫu gương cầu nguyện của Chúa Giêsu, các ngôn sứ trong Cựu Ước, các thánh và đặc biệt là Đức cha Lambert.
Chúa Giêsu là mẫu gương trọn hảo về đời sống cầu nguyện của người Kitô hữu: Ngài cầu nguyện trước khi tuyển chọn các tông đồ, khi bắt đầu hay kết thúc ngày sống. Rất nhiều đoạn Kinh Thánh, Chúa Giêsu nhắc nhở phải cầu nguyện: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt con người” (Lc 21, 36). Trong cuộc khổ nạn, Ngài nhắn nhủ các môn đệ: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa trước cám dỗ” (Lc 22, 40). Hay trong dụ ngôn quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy, Chúa Giêsu dạy phải cầu nguyện luôn, không được nản chí (Mt 18, 1), bởi Thiên Chúa hằng bênh vực những kẻ người đã tuyển chọn, ngày đêm kêu cứu người. Vậy Chúa Giê su không chỉ cầu nguyện nhưng còn dạy con người cầu nguyện với Thiên Chúa.
Không có đời sống cầu nguyện, con người dễ bước đi trong bóng tối của sự dữ và không tìm được một chỗ dựa, một điểm hẹn tâm linh cho mình. Do đó, những tấm gương trong Thánh Kinh cũng như các thánh là những lời nhắc nhở con người cần cầu nguyện liên lỉ. Như cử chỉ và tâm tình của Môsê, ông đã dang tay cầu nguyện để quân Do thái được thắng trận. Khi mỏi mệt, ông bỏ tay xuống, quân Do thái bị thua. Nhiều ngôn sứ khi rao giảng lời Chúa cũng tha thiết cầu nguyện xin Đức Chúa nhận lời và trợ giúp cho sứ vụ của mình, mặc dù đôi khi những lời cầu nguyện ấy có vẻ như những lời than vãn, trách móc, tuyệt vọng. Như vậy, Kinh Thánh đã chứng tỏ các ngôn sứ đã xem cầu nguyện là việc hết sức cần thiết trong việc thi hành sứ vụ.
Bên cạnh đó, có rất nhiều vị thánh sống đời cầu nguyện triệt để: Thánh Monica 18 năm kiên trì cầu nguyện, ăn chay để xin Chúa cho con trai Augustinô được ơn trở lại. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chưa một lần truyền giáo nhưng với lời cầu nguyện đơn sơ, ngài ước mong trở thành tình yêu giữa lòng Giáo hội với con đường nhỏ và những hy sinh âm thầm. Mẹ Têrêsa Calcuta cầu nguyện xin Chúa biến đời tu của mình thành “Chị em bác ái” phục vụ những con người nghèo khổ bần cùng trong xã hội hay Đấng Đáng Kính ĐHY FX. Nguyễn Văn Thuận đã biến những ngày lao tù bất công, cơ cực thành đường hy vọng cho những ai đang thất vọng ngang qua lời cầu nguyện và Thánh lễ chỉ với giọt rượu và một mẩu bánh trên tay. Quả thật, các ngài đã là chứng nhân sống động để con người hôm nay biết cầu nguyện và dâng lên Chúa tấm lòng đơn sơ chân thành của mình dù gặp phải biết bao đau khổ, mệt mỏi, chán chường hay khi hân hoan hạnh phúc.
Cũng như các mẫu gương trong Thánh Kinh và Giáo hội, Đức cha Lambert nói rõ tư tưởng của ngài đối với các vị thừa sai: cầu nguyện phải là nền tảng của mọi hoạt động nơi mỗi vị thừa sai. Vị thừa sai “không còn hành động bằng sức riêng của mình nữa…Nhưng nhờ vào Thần Khí Con Thiên Chúa….Chẳng vậy, họ chỉ là những con người hành động theo cái nhìn phàm nhân hay theo lý trí con người, và họ thường cầu xin những điều trái ngược với vinh quang Thiên chúa và sự hoàn thiện của họ” (Amep tập 121, tr.681-682). Chính vì lẽ đó, ngài dạy các thừa sai phải để ra ít nhất 2 giờ liên tục cho việc cầu nguyện, và nếu quá bận rộn việc ban ngày họ phải lo cầu nguyện ban đêm….
Không chỉ đến khi là mục tử, Đức cha Lambert mới sống đời cầu nguyện như vậy. Nhưng khi là một tông đồ giáo dân, ngài đã thực hành việc cầu nguyện và đưa việc cầu nguyện vào trong đời sống của mình. Chàng luật sư Lambert ấy đã dọn chỗ ở đến bên cạnh trường học của các cha Dòng Tên. Cứ 5 giờ sáng mỗi ngày, ngài đến nhà nguyện để nguyện ngắm và đọc kinh nhật tụng theo lòng đạo đức riêng. Vì đối với ngài, cầu nguyện là việc đầu tiên trong ngày sống, cũng như ý thức lời cầu nguyện chung với cộng đoàn các tu sĩ bằng lời kinh của Giáo hội. Kế đó, mỗi khi đến hay trở về từ tòa án thuế vụ, ngài luật sư Lambert luôn ghé qua nhà thờ để dâng cho Đức Mẹ vụ án đó.
Không dừng lại ở trên, tuy còn trẻ tuổi và năng động nhưng chàng trai ấy thích đời sống ẩn dật và sự thinh lặng, tĩnh tâm để thực hành việc cầu nguyện, tránh những ồn áo xáo động từ công việc, giao tiếp xã hội, cảm xúc vui buồn lo lắng, sinh hoạt của tâm trí mình. Mỗi ngày, ngài bớt giờ ngủ để cầu nguyện và luôn đến trước Thánh thể để kết thúc ngày sống. Hành trình truyền giáo với nhiều gian nan vất vả nhưng ngài luôn trung thành cầu nguyện. Cả cuộc đời ngài luôn tập trung vào đối tượng duy nhất là Đức Giêsu Kitô Chịu -Đóng -Đinh, và ước mong Đức Giêsu Kitô Chịu -Đóng- Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí mỗi người. Từ đây, đặc tính Kitô trung tâm trong linh đạo MTG trở thành nguồn cội cho đời sống tâm linh của người chị em MTG.
“Xuất phát là Đức Kitô
Xoay quanh là Đức Kitô
Rập theo khuôn mẫu là Đức Kitô
Và hướng về cùng đích là Đức Kitô »
Như vậy, cầu nguyện là điều không thể thiếu trong đời sống của các ngôn sứ, các thánh và Đấng Sáng Lập. Do đó, cầu nguyện cũng là điều thiết yếu trong đời sống thánh hiến của người chị em Mến Thánh Giá. Dẫu biết rằng việc thực hành đời sống cầu nguyện cũng như việc thực hành các nhân đức đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực tận căn, cùng lòng quảng đại dành cho Thiên Chúa. Càng đi vào chiều sâu của đời sống cầu nguyện, chúng ta càng khám phá ra khuôn mặt hiền từ của một Thiên Chúa yêu thương, một tình yêu bao la và lòng thương xót vô biên dành cho muôn loài thọ tạo và đặc biệt là con người, để từ đó con người ý thức cộng tác vào kế hoạch nhiệm mầu trong chương trình cứu độ cuả Thiên Chúa.
Diều Giấy
Tin cùng chuyên mục:
Thứ Bảy Tuần Thánh Năm C – 19/04/2025 – Bảy Sự Thương Khó Của Mẹ Maria Bên Người Con Yêu Dấu
Thứ Sáu Tuần Thánh Năm C – 18/04/2025 – Cùng Chúa lên đồi Golgotha
Thứ Năm Tuần Thánh Năm C- 17/04/2025 – Bữa Tiệc Ly – Nơi Bắt Đầu Một Tình Yêu Vĩnh Cửu
Thứ Năm Tuần Thánh Năm – Lễ Dầu – 17/04/2025 – Lời Mời Gọi Trở Về