Bài Tin Mừng gợi lại cho chúng ta câu chuyện xảy ra trong nhà hai chị em Matta và Maria ở thành Betania, nơi đó Chúa Giêsu đang được đón tiếp. Chúa Giêsu là bạn thân của gia đình chị em Matta và Maria. Trong câu chuyện có ba vai: vai chính là Chúa Giêsu, hai vai phụ là Matta và Maria, hai chị em cùng phục vụ Chúa nhưng mỗi người phục vụ một cách khác nhau. Cô chị Matta lăng xăng lo cơm nước, chuẩn bị bàn ăn…
Còn cô em Maria thì ngồi bên chân Chúa, nghe lời Chúa dạy. Khi thấy em gái Maria ngồi không, cô chị Matta có vẻ khó chịu trước thái độ của em mình và xin Chúa nói Maria phụ mình, nhưng Chúa Giêsu nói: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” và “Maria đã chọn phần tốt nhất!”.
Hình ảnh Maria ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Lời Chúa, là hình ảnh mà mỗi người chúng ta nên chiêm ngắm để hiểu hơn lời mời gọi của Chúa. Ở đây, “Ngồi bên chân Chúa” là tư thế mà Thánh sử Luca thường hay sử dụng và có thể được hiểu ở nhiều khía cạnh khác nhau. Chẳng hạn:
* Lc 7,36-45: Một phụ nữ tội lỗi nghe biết Chúa Giêsu đang dùng bữa tại nhà một người biệt phái. Nàng tìm đến đó, quỳ dưới chân Chúa và khóc, nước mắt làm ướt chân Chúa. Tư thế bên chân Chúa trong trường hợp này là quỳ với tâm tình là sám hối. [1]
* Lc 17,11-19: Lần khác Chúa Giêsu chữa lành mười người phong cùi. Trong số đó có một người đã trở lại sấp mình dưới chân Chúa để tỏ lòng biết ơn. Tư thế ở bên chân Chúa trong trường hợp này là sấp mình và tâm tình là tạ ơn. [1]
* Lc 8,40-56: Con gái ông Giaia bị bệnh nặng, ông chạy đến sấp mình dưới chân Chúa để van xin Ngài đến cứu con gái ông. Tư thế ở trường hợp này cũng là sấp mình trong tâm tình xin ơn. [1]
* Lc 8,26-39: Có một người bị quỷ ám ở Gherasa. Sau khi được Chúa cứu, anh ngồi bên chân Chúa và sau đó xin đi theo Ngài, tư thế lần này là ngồi và tâm tình là bày tỏ thiện chí đi theo Chúa. [1]
Như vậy, ở bên chân Chúa có thể là ngồi, quỳ hay sấp mình và tâm tình có thể là tạ ơn, sám hối, van xin, bày tỏ thiện chí muốn đi theo, trong trường hợp của Maria trong câu chuyện này là “lắng nghe” lời Chúa. Tư thế ở bên chân Chúa cũng là tư thế của sự khiêm tốn, gần gũi, gắn bó và trầm lắng bình an. [2]
Hằng ngày, chúng ta làm nhiều việc, ở nhiều nơi và với nhiều tâm trạng khác nhau. Đoạn Tin Mừng gợi nhắc chúng ta, có một nơi rất tốt đó là ở bên Chúa. Chúng ta hãy tìm đến bên chân Chúa để “lắng nghe lời Ngài”, và từ đó chúng ta có thể hiểu điều Chúa muốn trên cuộc đời chúng ta. Chúa biết và thấu rõ con người chúng ta muốn gì và cần gì trong đời sống. Không có Chúa chúng ta không thể làm bất cứ điều gì, bởi Chúa chính là con đường và là sự sống…
Vì thế, đối với người Kitô hữu, mỗi người cần biến mọi sinh hoạt thành lời cầu nguyện kéo dài, thành những hy tế trên bàn thờ được nối dài trong đời sống hằng ngày. Làm sao qua những sinh hoạt ấy, chúng ta gặp gỡ, lắng nghe, thực thi thánh ý Thiên Chúa.
Đặc biệt, là nữ tu Mến Thánh Giá, linh đạo của dòng nhắc nhở chúng ta hướng trọn trí lòng, cuộc sống vào Đức Giêsu kitô Chịu – Đóng – Đinh bằng việc chuyên chú suy niệm, tưởng nhớ và noi theo cuộc đời của Đức Giêsu Kitô để hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Đức Giêsu Kitô Chịu- Đóng – Đinh. Khi đã thấm nhuần được tinh thần này trong linh đạo Mến Thánh Giá, chắc chắn mỗi chị em chúng ta sẽ luôn ý thức được sứ mạng cứu độ liên tục của Chúa Giêsu được thực hiện qua mỗi chị em, nhờ vào việc chúng ta sẵn lòng cho Chúa Giêsu Kitô Chịu- Đóng- Đinh mượn lấy thân xác của chúng ta, để tiếp tục thực hiện công trình Cứu Độ của Chúa cho đến khi hoàn tất. Đức cha Lambert, Đấng sáng lập Dòng Mến Thánh Giá đã đặt trọng tâm đời mình nơi Đức Kitô, ngài nối kết lòng đạo đức với việc cầu nguyện suy gẫm hàng giờ trước Thánh Thể, kết hiệp đời sống thiêng liêng vào công việc, với lối sống nhiệm nhặt, ý hướng ngay lành … Khi còn là một vị thẩm phán trẻ, mỗi lần đi ngang qua nhà thờ chính tòa, ngài lại ghé vào nhà thờ để dâng cho Đức Mẹ những vụ xử kiện, chiều về không quên ghé qua để tạ ơn Đức Mẹ…
Đôi tay cần để làm việc, phục vụ mọi người nhưng điều quan trọng hơn vẫn là tâm tình thờ phượng và lắng nghe : lắng nghe Chúa nói qua Kinh thánh, qua các giáo huấn của Giáo hội, qua các dấu chỉ của thời đại và qua lịch sử của bản thân… để có thể nhận ra được ý Chúa, đón nhận và thực thi ý Chúa muốn.
Như Chúa đã dạy Matta hiểu thế nào là sự quan trọng và thiết yếu trong việc lắng nghe lời Chúa. Xin Chúa cũng nhắc chúng ta trong đời sống bận rộn thường ngày, biết dành thời gian tìm đến nguồn mạch của sự sống, bình an và hy vọng qua lời Chúa dạy, để tất cả mọi việc chúng ta làm đều đẹp lòng Chúa. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được vị trí của Maria và của Matta đều có giá trị, để ý thức phần chọn lựa nào là tốt nhất cho mình!
tài liệu tham khảo
[1 ]https://tgpsaigon.net/bai-viet/thu-ba-tuan-27-thuong-nien-video-58403
[2]https://tgpsaigon.net/bai-viet/thu-ba-tuan-27-thuong-nien-nam-i-tat-bat-cong-viec-lc-1038-42-58396
Lệ Thu
Tin cùng chuyên mục:
Chúa Nhật Phục Sinh Năm C- 20/04/2025 – Đấng Phục Sinh vẫn đang chờ con
Thứ Bảy Tuần Thánh Năm C – 19/04/2025 – Bảy Sự Thương Khó Của Mẹ Maria Bên Người Con Yêu Dấu
Thứ Sáu Tuần Thánh Năm C – 18/04/2025 – Cùng Chúa lên đồi Golgotha
Thứ Năm Tuần Thánh Năm C- 17/04/2025 – Bữa Tiệc Ly – Nơi Bắt Đầu Một Tình Yêu Vĩnh Cửu