Chị em thân mến,
Đức cha Pierre Lambert de la Motte rất yêu mến Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt Chúa Giêsu trong cuộc thương khó và phục sinh.
Tình yêu ấy được ươm mầm từ một gia đình quý tộc đạo đức, từ lòng say mê đọc sách Gương Phúc của cậu bé Lambert, từ những giờ kinh chung với các cha dòng Tên khi còn là sinh viên, và những giờ cầu nguyện trước và sau khi luật sư Lambert xử một vụ án.
Vâng, tình yêu lớn dần theo năm tháng cho đến một ngày, chàng thanh niên Lambert tìm thấy “ viên ngọc quý” và chàng đã bỏ lại tất cả để mua viên ngọc ấy.
Ngài đã từ bỏ nghề luật sự với chức Thẩm phán để hiến thân phụng sự Chúa trong chức linh mục, phục vụ người nghèo người đau khổ, cơ nhỡ.. tại Trung tâm xã hội ở Rouen. Ngài từ bỏ quê nhà nước Pháp đến vùng truyền giáo Đàng Trong, theo ý muốn và cách thức của Tòa Thánh trong sứ vụ Giám mục thừa sai tông tòa, dù rằng ngài phải đánh đổi và trả giá bằng bao hy sinh lao nhọc về thể lý và tinh thần.
Chúng ta tự hỏi, do đâu đức cha Lambert dám can đảm rời bỏ quê hương? Dám dâng hết tài sản cho sứ mạng và con người tại vùng truyền giáo Đàng Trong kiêm cả Đàng Ngoài Việt Nam? Động lực nào mà suốt 19 năm, ngài phục vụ không mệt mỏi tại vùng truyền giáo: lo đào tạo các linh mục bản xứ, lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá để hỗ trợ các linh mục quản xứ, lập Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá để có thêm người ‘phổ biến khắp nơi tình yêu thực tiễn đối với Thánh giá Con Thiên Chúa”. Và cuối cùng, ngài sẵn lòng chịu chôn vùi dưới lòng đất “ xứ người” tại Thái Lan mà không một lần trở về thăm quê nhà?
Chúng ta tìm được câu trả lời từ những tâm tình ngài để lại trong những bài nguyện gẫm. Năm 1663, ngài viết : “Chúa Thánh Linh giúp vị thừa sai tông tòa đạt tới trong nỗ lực của mình, tìm kiếm cách tối hảo để bước theo dấu chân Chúa Giê su Ki tô Chịu-Đóng-Đinh… vị thừa sai ấy còn phải làm gì nữa nếu không phải là liên lỉ dâng lên Thiên Chúa những hy sinh để được thông dự vào nhân tính thánh thiện, đau khổ, chịu đóng đinh, hiến tế của Chúa Ki tô…”1 (Đl c. 24.25, Di cảo trang 122).
Ngài viết về sự tập chú nội tâm của người môn đệ Đức Giê su Ki tô: “ Có gì có thể sánh với việc nhìn thấy Chúa liên lỉ hiện diện, chịu đau đớn, hấp hối và chết trên giá gỗ? Nếu chúng ta muốn giục lòng tin, cậy, mến là ba nhân đức hướng thần, điều gì có khả năng gây nhiều ấn tượng hơn là việc liên lỉ nhìn ngắm cảnh tượng đó” 2. (Tcnt 8.9. Di cảo tr.168)
Trong Bài Tự sự, Chúa chỉ cho ngài cách đáp lại tình yêu: “ Rồi tôi biết điều Chúa đòi hỏi nơi tôi là hàng ngày, vào giờ nguyện ngắm buổi chiều hay ban đêm, tôi phải làm việc đánh tội trong khoảng thời gian đọc Thánh Vịnh Sám Hối (TV 50), để long trọng suy tôn Hy lễ cao cả của Chúa và cũng để hoàn tất điều duy nhất còn thiếu nơi hy tế bàn thờ là phải có sự đau khổ” 3 (Bts I, 7.8)
Từ cảm thức thiêng liêng ấy, Đức cha Lambert chọn châm ngôn sống cho đời mình : ”Chúa Giêsu Kitô Chịu- Đóng- Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí tôi”. Đồng thời Ngài trao lại “báu vật” cho các thừa sai, các linh mục, nữ tu và tín hữu Mến Thánh giá tại Việt Nam.
Giờ đây, mời anh chị em thầm thĩ đọc lại ba lần: Chúa Giêsu Kitô Chịu- Đóng- Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con.
Kết thúc bằng Kinh Sáng danh.
Tin cùng chuyên mục:
Chúa Nhật Phục Sinh Năm C- 20/04/2025 – Đấng Phục Sinh vẫn đang chờ con
Thứ Bảy Tuần Thánh Năm C – 19/04/2025 – Bảy Sự Thương Khó Của Mẹ Maria Bên Người Con Yêu Dấu
Thứ Sáu Tuần Thánh Năm C – 18/04/2025 – Cùng Chúa lên đồi Golgotha
Thứ Năm Tuần Thánh Năm C- 17/04/2025 – Bữa Tiệc Ly – Nơi Bắt Đầu Một Tình Yêu Vĩnh Cửu