Bàn tay chạm đến nỗi đau

TIN MỪNG: Lc 5, 12-16

12 Xảy ra khi Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, thì có một người mình đầy phong hủi, thấy Chúa Giêsu, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng: “Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch”.

13 Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: “Ta muốn, hãy nên trơn sạch”. Lập tức, người ấy khỏi phong hủi.

14 Người ra lệnh cho người ấy không được nói với ai, nhưng: “Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch”.

15 Nhưng tiếng đồn về Người cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa lành bệnh tật. 16 Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện.

SỐNG TIN MỪNG

Ai có thể tưởng tượng một người bị xã hội ruồng bỏ, mang đầy mình những vết thương thể xác và tinh thần lại dám đến gần Đấng Cứu Thế? Chính câu chuyện về người phong hủi trong Tin Mừng hôm nay đã cho chúng con thấy một tình yêu vượt qua mọi giới hạn, một lòng thương xót xoa dịu mọi nỗi đau.

Anh thanh niên bị phong hủi, vừa đau đớn thể xác đã đành, anh thanh niên này còn vừa là nạn nhân của biết bao nỗi đau tinh thần: sự kì thị, coi thường và xa lánh của mọi người trong xã hội. Không làm ngơ trước nỗi đau của anh, Đức Giêsu đã đưa tay ra, chạm vào anh và chữa lành anh. Như thế, tình yêu và lòng thương xót của Chúa vượt lên trên mọi rào cản của xã hội vốn khinh miệt những bệnh nhân phong hủi. Đây chính là lúc Chúa kết thúc tất cả những nỗi khốn khó của anh và đưa anh sang một trang mới của cuộc đời: “Tôi muốn, anh sạch đi” (Lc 5, 13).

Quả thật, Chúa Giêsu đã làm một cuộc cách mạng lớn khi Người đưa tay chạm vào kẻ bị cấm đụng chạm vào theo luật thời bấy giờ. Khi bàn tay của mọi người rút lại thì bàn tay của Giêsu đưa ra, và thế là phép lạ xảy ra. Lạy Chúa, khi thấy bàn tay đưa ra của Ngài, con hoàn toàn có thể định nghĩa được tình yêu là gì. Tình yêu là thực thi những điều vượt xa lý trí và lý lẽ tự nhiên cho phép. Tình yêu là đụng chạm vào người không được phép đụng chạm, là đến với những người không đáng được đến, là tha thứ cho những người không đáng được thứ tha, và là thương xót những người không đáng được xót thương. Chúa đã đi trước và dạy con làm như thế: Chúa đụng chạm vào người phong hủi, Chúa trò chuyện với những người tội lỗi và đồng bàn với họ, Chúa tha cho những người đã hành hạ và giết Chúa, Chúa cũng khoan dung với người đàn bà ngoại tình đang bị cả thế giới quay lưng.

Ngày hôm nay, khi suy ngắm hình ảnh Chúa đụng chạm và chữa lành người thanh niên phong hủi, con cũng được mời gọi để đụng chạm đến những vết thương, nỗi đau của anh chị em con, cách riêng là những người kề cận bên con mỗi ngày. Con chợt nhận ra rằng nhiều lần vì mải mê chạy theo những đam mê hoang tưởng xa vời mà con vô tình phớt lờ đi những người ở gần con nhất.

Xin Chúa cho con ngày hôm nay biết để ý hơn đến những anh chị em đang cùng con làm việc, cùng con học tập, ăn uống, vui chơi hay nghỉ ngơi. Nếu con có vô tình nhìn thấy một nỗi buồn thoáng qua trên khuôn mặt họ, xin cho con biết dừng lại và trao cho họ một lời hỏi thăm, một ánh mắt động viên, một cái nắm tay ấm áp hay một cử chỉ thân tình để an ủi họ. Xin ban cho con một trái tim bằng thịt, biết chạnh lòng thương như Chúa vì biết rằng con cũng là một tội nhân cần đến lòng thương xót của Chúa và anh chị em con: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con được sạch” (Lc 5, 12). Lạy Chúa, xin thương xót con. Amen.

Điệp An

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *