• Trang chủ
  • SỐNG LỜI CHÚA
  • Thứ Bảy Tuần Thánh Năm C – 19/04/2025 – Bảy Sự Thương Khó Của Mẹ Maria Bên Người Con Yêu Dấu

Thứ Bảy Tuần Thánh Năm C – 19/04/2025 – Bảy Sự Thương Khó Của Mẹ Maria Bên Người Con Yêu Dấu

bảy sự thương khó của Mẹ Maria

Bảy Sự Thương Khó Của Mẹ Maria

Bên Người Con Yêu Dấu

Nếu đỉnh điểm của Mùa Chay là cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô thì cũng không thể không nhắc tới sự thương khó của Đức Maria – Bà là Mẹ Chúa Giêsu. Có người mẹ nào mà không thương con, có người mẹ nào thấy con mình bị hành hình mà trái tim không tan nát, vỡ vụn ra… Chính Mẹ Maria đã ở trong tình cảnh ấy. Cả đời người con như là cái gì đấy hoàn toàn thuộc về mẹ. Con đau thì mẹ cũng không tránh khỏi; Con khổ nhục thì mẹ cũng không hề vơi bớt…

Mỗi nỗi đau Mẹ chịu không đơn thuần là nỗi khổ của một người phụ nữ mất con, mà là sự tan vỡ của một trái tim đã hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa. Mẹ Maria không chỉ chứng kiến cuộc khổ nạn của Con, mà chính Mẹ cũng đi vào cuộc thương khó ấy – trong thinh lặng, trong hiệp thông, trong lời thưa “Xin Vâng” kéo dài suốt cuộc đời.

Nếu cuộc đời của Chúa Giêsu là một bản tình ca yêu thương cho nhân loại, thì cuộc đời của Mẹ Maria là lời hòa âm dịu dàng và bi thương vang lên bên khúc nhạc cứu độ ấy. Một bài ca không lời, không phàn nàn, không phản kháng – chỉ có sự vâng phục tuyệt đối, yêu thương trọn vẹn.

Mẹ Maria ngay từ ngày đầu tiên thưa tiếng ‘Xin Vâng’ cho kế hoạch của Thiên Chúa, Mẹ đã để mình chìm ngập trong mầu nhiệm thần linh phát xuất từ chính Con của Mẹ.

  1. Ông Thánh Simêon nói tiên tri cùng Đức Mẹ.

Ấy thế mà, ngày sinh Con, Mẹ đã phải đau lòng khi không thể tìm cho Con mình một nơi cho đàng hoàng hơn, ngoài cái máng cỏ hôi tanh nơi chuồng súc vật giữa cánh đồng hiu quạnh. Giữa cái tiết trời giá rét mùa đông, giữa những lời xua đuổi và cả những miệt thị và truy bắt… Ngày lễ cắt bì, Mẹ lên Đền Thờ để dâng Con cho Thiên Chúa. Bên cạnh lời chúc phúc của cụ già Simêon là lời nói tiên tri về Hài Nhi: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng… Còn chính Bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà” (Lc 2, 34-35). Dù Mẹ không hiểu gì về những lời tiên tri ấy, nhưng Mẹ đã luôn ghi nhớ mọi kỷ niệm và suy đi nghĩ lại trong lòng.

  1. Đức Mẹ đem Đức Chúa Giêsu trốn sang nước Êgýptô.

Hài Nhi mới sinh chẳng được bao lâu thì bị vua Hêrôđê tìm giết. Đang đêm Giuse phải đem Mẹ và Hài Nhi trốn sang Ai cập theo lời báo mộng của sứ thần. Những bước chân sợ hãi rời bỏ quê hương sang nương nhờ xứ người, lạ lẫm và hoang mang nhưng Mẹ vẫn ôm chặt Con trong vòng tay của Mẹ. Thương cho đứa con bé bỏng lại bị người ta tìm giết giã man. Lòng Mẹ đau như cắt thành trăm mảnh… Mẹ chỉ còn biết vâng theo kế hoạch của Thiên Chúa.

  1. Đức Chúa Giêsu ở lại trong Đền thờ, mà Đức Mẹ tìm kiếm Người ba ngày.

Một lần nữa sứ thần báo tin gọi Thánh Giuse trở lại Israel. Giuse đã đưa Giêsu và Mẹ Người về cư ngụ tại Nadaret miền Galilê để tránh sự cai trị hung bạo của Ackhêlao kế vị vua cha là Hêrôđê. Cuộc sống dong duổi đó đây làm cho gia đình gặp không ít khó khăn, nay lui về Nadaret – một làng quê hẻo lánh, nghèo nàn – sống một cách âm thầm và lặng tiếng. Năm Giêsu được mười hai tuổi, Cha Mẹ đưa Con lên Đền Thờ Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem mà Cha Mẹ chẳng hay biết (Lc 2, 43). Sau ba ngày tất tả tìm con, mới gặp được Con trong Đền Thờ. Ôi, lòng người Mẹ tan nát tơi bời khi lạc mất Người Con như thể Mẹ bị lạc mất phần linh hồn của Mẹ vậy.

  1. Đức Mẹ gặp Đức Chúa Giêsu đang vác cây Thánh giá.

30 năm sống ẩn dật tại làng quê Nadaret với nghề thợ mộc của cha Thánh Giuse, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của mình. Ngài bắt đầu rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, khởi đi từ Galilê cho đến hết đất nước Israel. Cho đến ngày Chúa Giêsu bị người ta kết án và phải vác thập giá trên đường thương khó để đi đến nơi thi hành án chịu đóng đinh, Mẹ Maria gặp Con Mẹ trong tình trạng thân mình tả tơi. Lòng Mẹ đau xót vô cùng, nếu được Mẹ cũng muốn chịu thay cho Con Mẹ. Nhưng Mẹ đã nhẫn nại nhận chịu trước kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa. Mặc dù Mẹ không hiểu hết kế hoạch ấy nhưng Mẹ chọn cách âm thầm nhận chịu, âm thầm để cho lòng Mẹ bị gặm nhấm bởi nỗi đau đớn vô độ cùng với Con của Mẹ.

  1. Đức Mẹ đứng kề Thánh giá Đức Chúa Giêsu là Con rất yêu dấu khi trút linh hồn.

Nhìn Con Mẹ chịu đóng đinh dang tay trên thập giá, không còn điều gì còn có thể diễn tả được nỗi đau của Mẹ lúc này bên Người Con yêu dấu. Nhưng Mẹ vẫn kiên cường chịu đựng. Mẹ vẫn can đảm nhìn ngắm Con của Mẹ trên Thánh Giá. Vì Mẹ biết Con Mẹ đã yêu và yêu trọn vẹn thế gian này. Nhìn Con Mẹ đau đớn, tủi nhục và chết trên thập giá, Mẹ nhận lấy vào mình tất cả và Mẹ tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, tin vào Con của Mẹ. Trái tim Mẹ bị tổn thương thật nhưng nó đã mở ra để ôm lấy cả nhân loại như Con của Mẹ đã ôm lấy họ.

  1. Hai môn đệ hạ xác Đức Chúa Giêsu mà trao cho Đức Mẹ ẵm kính.

Lúc tên lính lấy lưỡi đòng đâm thấu trái tim Chúa, một lần nữa trái tim Mẹ như nát tan ra, một chút nước và máu trào ra như những lời thì thầm mà Con yêu của Mẹ nói với Mẹ từ trên thập giá. Mẹ đau đớn thật, nhưng Mẹ như hiểu ra những thổn thức của Người Con dành cho cả thế giới. Mẹ để cho lưỡi đòng đâm thấu trái tim Chúa xuyên qua cả trái tim Mẹ, để Mẹ được cùng với con của Mẹ ban tràn cho thế giới tình yêu và ân sủng dồi dào.

  1. Môn đệ táng xác Đức Chúa Giêsu vào huyệt đá mới.

Khi hạ xác Chúa Giêsu từ trên thập giá xuống và phó trong tay Đức Mẹ. Mắt Mẹ ngấn lệ, vì Mẹ biết Người Con của Mẹ, Người Con mà Mẹ đã mang nặng đẻ đau từ nay sẽ mãi mãi ở trong vòng tay của Mẹ. Từ nay không ai còn có thể dày xéo Con của Mẹ thêm nữa. Ngôi mồ đá cũng không thể giữ mãi thân xác của Con Mẹ. Con Mẹ chết, Mẹ ôm Con Mẹ trong vòng tay như ngày đầu Mẹ sinh Con, ký ức tràn về càng làm Mẹ đau đớn hơn.

Con Mẹ chết đau đớn, tủi nhục. Mẹ sống, trong lòng Mẹ càng nát tan, vỡ vụn. Giờ là lúc Mẹ thấm thía lời Xin Vâng hơn bao giờ hết; cũng là lúc mà Mẹ thể hiện niềm tin của Mẹ vào Thiên Chúa một cách mãnh liệt và xác tín nhất. Mẹ vẫn tiếp tục thưa tiếng ‘Xin Vâng’, Mẹ vẫn tiếp tục phó mình cho kế hoạch của Thiên Chúa trong tương lai phía trước. Và Mẹ tin vào TÌNH YÊU mà Thiên Chúa ban cho thế giới qua Người Con của Mẹ.

Từ lúc Mẹ nói lời xin vâng,

Mẹ trở nên Thánh Mẫu tuyệt vời.

Nhờ Mẹ Ngôi Lời Thiên Chúa đến với nhân loại

Huyền nhiệm quá muôn đời tiếng xin vâng.

Mẹ thưa xin vâng, xin vâng trọn Thánh ý Chúa Cha

Mẹ thưa xin vâng, với Tin Mừng của Con Chí Thánh

Mẹ thưa xin vâng, với tác động của Chúa Thánh Linh

Con muốn theo Mẹ sống xin vâng với trái tim thảo hiền.

(Trích bài hát Từ lúc Mẹ nói lời Xin Vâng của Trầm Hương, FMSR)

 Lạy Mẹ Maria,

Mỗi sự thương khó Mẹ trải qua như một dấu chấm lặng trong bản giao hưởng thánh thiêng, để linh hồn nhân loại có thể dừng lại mà chiêm ngắm, mà thổn thức, mà cảm nếm được chiều sâu của ơn cứu độ.

Mẹ không khóc để người đời thương cảm,
Mẹ chỉ âm thầm để Thiên Chúa được tôn vinh.
Mẹ không oán trách để nhẹ vơi nỗi đau,
Mẹ chỉ dâng hiến để tình yêu được tròn đầy.

Sự thinh lặng của Mẹ bên thập giá không phải là sự câm nín của tuyệt vọng, mà là sự im lặng tràn đầy hy vọng. Niềm hy vọng được đặt nền tảng nơi Lời hứa của Thiên Chúa. Mẹ tin rằng Đấng đã ban Con cho Mẹ, cũng là Đấng sẽ phục sinh Con trong vinh quang.

Giờ đây, khi chiêm ngắm bảy nỗi đau của Mẹ, chúng con cũng được mời gọi bước vào hành trình đau thương nhưng đầy hy vọng ấy. Xin Mẹ dẫn con về gần bên Thánh Giá – nơi có Con yêu dấu của Mẹ, là nguồn sống, là ơn cứu độ, là tình yêu vĩnh cửu. Amen.

 Anna Tuyết Nhung

Chia sẻ bài viết:

Youtube: Bảy Sự Thương Khó Của Mẹ Maria Bên Người Con Yêu Dấu

Fanpace: Thân Hữu MTG Thủ Thiêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *