Thiên Chúa bị khước từ
Tin mừng: Mt 8, 28-34
28 Khi ấy, Chúa Giêsu sang bờ bên kia, đến miền Gađara, có hai người bị quỷ ám từ các mồ mả đi ra gặp Người, chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua lại đường ấy.
29 Và này, chứng hô lên rằng: “Lạy Con Thiên Chúa, chúng tôi và Ngài có liên can gì đâu? Ngài đến đây để hành hạ chúng tôi trước thời hạn sao?” Cách đó không xa có một đàn heo rất đông đang ăn.
30 Các quỷ nài xin Người: “Nếu Ngài đuổi chúng tôi thì xin sai chúng tôi nhập vào đàn heo.”
31 Người bảo chúng rằng: “Đi đi.” 32 Chúng liền ra khỏi hai người bị quỷ ám và nhập vào đàn heo; và kìa, tất cả đàn heo, từ bờ dốc thẳng nhào xuống biển và chết dưới nước.
33 Các người chăn heo chạy trốn và vào thành kể lại mọi sự, cả những gì đã xảy ra cho những người bị quỷ ám.
34 Thế là cả thành kéo ra đón Chúa Giêsu, khi gặp Người, họ nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.
SỐNG LỜI CHÚA
“Họ kêu lớn tiếng rằng: ‘Lạy Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến Ngài?’” (Mt 8,29)
Thánh Matthêu thuật lại câu chuyện Đức Giêsu đến miền Gađara và trục xuất quỷ ra khỏi hai người bị ám, để rồi cả đàn heo bị nhập quỷ lao xuống biển. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý không chỉ là phép lạ, mà là cách người dân trong vùng đáp lại sự hiện diện của Đức Kitô: họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.Chúng con không thấy họ tạ ơn vì hai người đã được chữa lành. Chúng con không nghe họ ca tụng quyền năng của Thiên Chúa. Chúng con chỉ thấy nỗi sợ hãi nơi họ, không phải vì ma quỷ, mà vì mất mát. Đàn heo, tài sản vật chất của họ, đã không còn. Sự hiện diện của Chúa đã làm xáo trộn “trật tự an toàn” của họ, nên thay vì để ánh sáng bước vào, họ chọn đóng cửa.
Thái độ của dân làng Gađara không xa lạ gì với cuộc sống đức tin hôm nay. Đôi khi, chúng con vẫn thầm hỏi như quỷ đã hỏi: “Chuyện chúng tôi can gì đến Ngài?” như thể muốn giữ cho mình một khoảng cách an toàn trước Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa trong đời sống con người luôn đòi hỏi một sự thay đổi, một sự cắt bỏ, một cuộc hoán cải. Và đôi khi, thay vì vui mừng vì được giải thoát, chúng con lại hoang mang vì bị chạm vào những vùng quen thuộc mà chúng con không muốn buông.
Đàn heo trong câu chuyện hôm nay không chỉ là vật nuôi; chúng trở thành biểu tượng cho tất cả những gì mà chúng con đang bám víu: những thói quen, ước mơ cá nhân, sự kiểm soát, cảm giác an toàn giả tạo, hay đơn giản là một nếp sống không bị khuấy động bởi ân sủng. Khi Chúa Giêsu bước vào, Người không chỉ ban bình an, Người còn thanh luyện, đánh động, và nếu cần, “xua đuổi” những gì ngăn cản chúng con sống tự do. Chi tiết đàn heo lao xuống biển không chỉ là hình ảnh giật gân, mà mang chiều kích thần học sâu sắc. Trong Kinh Thánh, biển là biểu tượng của sự hỗn mang, của sự dữ. Khi ma quỷ bị Chúa Giêsu trục xuất và bị đẩy trở về biển, Kinh Thánh muốn cho thấy: quyền năng Thiên Chúa hoàn toàn vượt thắng thế lực của bóng tối. Nhưng quyền năng ấy không ồn ào. Đức Giêsu chỉ nói một lời: “Đi đi!” và ma quỷ lập tức rút lui. Đây là một hình ảnh đẹp về sự thánh thiện trầm lặng nhưng hiệu quả, đối lập với sự hỗn loạn, bạo lực và hủy diệt của ma quỷ.Tuy nhiên, quyền năng ấy không ép buộc. Người dân vẫn có quyền lựa chọn và họ đã chọn đuổi Chúa đi “Thế là cả thành kéo ra đón Chúa Giêsu, khi gặp Người, họ nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.” (x Mt 8,34). Đây có phải là tấm bi kịch sâu xa nhất: Thiên Chúa tôn trọng tự do con người đến mức chấp nhận bị con người khước từ Đấng đến để giải thoát mình. Sự hiện diện của Đức Giêsu đã chạm vào “trật tự” của dân làng; không phải trật tự của sự sống, mà là trật tự giả tạo được xây dựng trên nỗi sợ và bám víu vật chất. Họ đã không thể đón nhận sự sống mới vì không muốn từ bỏ điều cũ. Ngày nay, lời mời gọi ấy vẫn vang lên trong lòng mỗi người, chúng con có dám để Chúa bước vào, chạm đến những vùng tối, và biến đổi chúng con từ bên trong?
Là người sống đời thánh hiến, con được mời gọi đặt mình trong bối cảnh này. Con có nhận ra Chúa đang âm thầm bước vào cuộc sống mình không? Hay con cũng đang giữ “đàn heo” của riêng mình, không phải là vật chất thô thiển, mà là những an toàn tinh thần, ước mơ chưa trọn, sự nghiệp cá nhân, hay những vùng tối mà con không muốn ai chạm đến, kể cả Chúa?
Tin Mừng hôm nay đặt ra một câu hỏi rất cụ thể nhưng không dễ trả lời: con có thực sự để Chúa bước vào, hay chỉ chấp nhận Người ở một khoảng cách đủ để không làm xáo trộn cuộc sống con đang nắm giữ? Con có sẵn sàng để Người phá vỡ những điều coni từng cho là “ổn định” nhưng lại ngăn cản con lớn lên trong ơn gọi?
Chấp nhận đời sống thánh hiến không phải là chấp nhận một khuôn mẫu tu trì. Đó là chấp nhận một hành trình được thanh luyện, được giải thoát, được tái tạo từng ngày. Là cho phép Chúa đặt tay trên những phần mỏng manh nhất của mình, không phải là để Chúa xét xử con, nhưng Người chạm đến để chữa lành con. Khi con dám để Chúa lật tung những vùng “an toàn giả tạo” ấy, con sẽ dần được hình thành như một con người mới: nhẹ nhàng hơn, tự do hơn và yêu mến hơn. Càng tiến sâu vào đời sống thánh hiến, càng phải bước ra khỏi chính mình, ra khỏi cái tôi khép kín và dễ tổn thương. Đó là một cái chết liên lỉ của cái tôi cũ, để nhường chỗ cho sự sống mới của Đức Kitô.
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì vẫn hiện diện trong đời con, dù nhiều khi con không nhận ra. Xin giúp con đủ can đảm để buông bỏ những bám víu âm thầm đang chi phối con, từ bỏ những chọn lựa nửa vời, để Chúa chạm đến nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn con. Xin ban cho con một đức tin biết chọn Chúa là tất cả, dù có phải đánh đổi những gì con từng xem là quý giá. Chỉ nơi Chúa, con mới thật sự được sống, được tự do, được yêu thương trọn vẹn. Xin cho con chấp nhận chính con với tất cả giới hạn và mong manh, để mỗi ngày con được lớn lên trong ơn gọi mà Chúa đã đặt để từ muôn thuở. Xin Chúa đồng hành cùng con trong đời thánh hiến như một hành trình yêu và được yêu, được thanh luyện và biến đổi từng ngày trong Chúa. Amen.
Madalena Minh An
Chia sẻ bài viết:
Youtube: Thiên Chúa bị khước từ
Fanpace: Thân Hữu MTG Thủ Thiêm
Tin cùng chuyên mục:
Thứ Sáu Tuần XIII Mùa Thường Niên Năm C – 04/07/2025 – “Anh hãy theo Tôi”
Thứ NămTuần XIII Mùa Thường Niên Năm C – 03/07/2025 – Tôma và lời mời gọi trở về với cộng đoàn đức tin
Thứ Tư Tuần XIII Mùa Thường Niên Năm C – 02/07/2025 – Thiên Chúa bị khước từ
Thứ Ba Tuần XIII Mùa Thường Niên Năm C – 01/07/2025 – GIỮA CƠN BÃO, THẦY VẪN Ở ĐÓ