Sức Mạnh Của Kinh Lạy Cha
TIN MỪNG: Lc 11, 1-13
1 Một hôm, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.”
2 Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
3 xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy;
4 xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
5 Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’, 7 mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’?
8 Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.
9 “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.
10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.
11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó?
12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?
13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?
SỐNG LỜI CHÚA
“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Luca thuật lại một hình ảnh rất quen thuộc trong đời sống của Chúa Giêsu: Người thường lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện. Khi thì trên núi, khi thì trong đồng hoang, khi thì giữa đêm khuya thanh vắng, nơi chỉ có mình Người với Chúa Cha. Hình ảnh ấy không chỉ đơn thuần là một thói quen đạo đức, nhưng diễn tả một mối tương quan sâu sắc và sống động giữa Người với Thiên Chúa là Cha. Các môn đệ đã nhiều lần âm thầm chứng kiến Thầy mình chìm đắm trong cầu nguyện, và chắc hẳn trong lòng các ông trào dâng sự cảm phục cùng một ước ao sâu xa được cầu nguyện như vậy, được sống trong sự bình an thẳm sâu mà Chúa đang sống với Chúa Cha.
Chính vì thế, khi môn đệ thường xuyên thấy Thầy Giêsu cầu nguyện, nên một người trong nhóm đã mạnh dạn thưa lên: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.” Lời xin ấy chất chứa sự khiêm tốn, thể hiện niềm khát khao và chân thành. Đó không phải là lời xin để biết cách đọc một số kinh, nhưng là lời khẩn cầu được bước vào tương quan với Thiên Chúa, được học cách sống đời sống nội tâm, được cảm nếm hạnh phúc của một tâm hồn sống gắn bó với Cha trên trời. Nên Chúa Giêsu đã đáp lại lời xin ấy bằng cách trao cho các ông và cho cả nhân loại một lời kinh quý báu để cầu nguyện và hiệp thông trong mối tương quan với Cha trên trời bằng Kinh Lạy Cha.
Điều đầu tiên gây ấn tượng trong Kinh Lạy Cha chính là cách xưng hô. Chúa Giêsu dạy chúng con gọi Thiên Chúa là “Cha”, một tiếng gọi gần gũi, trìu mến, đầy thân thương. Đây không chỉ là một lối gọi thân mật, nhưng là một mặc khải về mối tương quan thân tình mà mỗi người chúng con được mời gọi thiết lập với Thiên Chúa. Theo giáo huấn của Giáo Hội, chỉ trong Chúa Thánh Thần, nhờ Đức Giêsu Kitô, chúng con mới có thể thưa lên cách đầy tin tưởng: “Abba – Cha ơi!” (x. Gl 4,6; GLHTCG số 2777). Thiên Chúa không còn là Đấng xa vời trên trời cao, nhưng là người Cha luôn lắng nghe, luôn yêu thương và luôn chờ đợi.
Lời cầu nguyện này không chỉ dành cho cá nhân mà còn là tiếng lòng của cả cộng đoàn. Mỗi lời thưa “chúng con” trong lời kinh không chỉ mang ý nghĩa của một người đang cầu nguyện, mà còn hàm chứa ý thức hiệp thông với mọi người, với nhân loại, với Giáo Hội. Khi xin cho “chúng con lương thực hằng ngày”, chúng con không thể chỉ nghĩ đến miếng cơm manh áo của riêng mình, nhưng còn là một lời mời gọi mở lòng ra, biết chia sẻ, biết sống tình bác ái huynh đệ, bởi vì mọi sự ta có đều là ân huệ nhưng không từ Thiên Chúa. Không ai là người xa lạ trên mặt đất này. Tất cả đều là anh chị em trong cùng một gia đình nhân loại.
Chúa Giêsu không dạy chúng con cầu xin theo kiểu ích kỷ hay chỉ chú trọng đến bản thân, nhưng còn dạy chúng con biết hướng đến tha nhân, đến nhu cầu của người khác. Không dừng lại ở đó, Chúa còn dạy chúng con cầu xin ơn thứ tha: “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho người mắc lỗi với chúng con.” Lời kinh này là một mời gọi sống tình thương và lòng khoan dung. Con người sống giữa đời không thể tránh khỏi những va chạm, tổn thương, hiểu lầm… Nhưng Chúa dạy chúng con hãy bắt đầu bằng sự tha thứ, như chính Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng con. Theo Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 2840, không ai có thể kết hiệp với Thiên Chúa nếu không tha thứ cho người lân cận. Lời kinh ấy vì thế đã hình thành một lối sống. Khi chúng con xin được tha thứ, cũng là lúc chúng con được mời gọi chấp nhận sự giới hạn của nhau, biết đón nhận nhau như chính họ; là những con người mỏng giòn, yếu đuối, nhưng đang cố gắng từng ngày để sống tốt hơn.
Kết thúc lời kinh là một lời khẩn cầu đầy khiêm hạ: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Trong hành trình đức tin, không ai là không gặp thử thách, không ai là không đối diện với ba thù: ma quỷ, thế gian và xác thịt. Chúa Giêsu hiểu rõ điều ấy, nên Người dạy các môn đệ cầu nguyện để có sức mạnh vượt thắng, để không thất vọng hay gục ngã trước những lôi kéo của sự dữ. Kinh Lạy Cha vì thế không chỉ là một lời nguyện đọc lên bằng môi miệng, nhưng là một lời khẩn xin xuất phát từ sâu thẳm cõi lòng, để chúng con biết đặt trọn niềm tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể cứu ta khỏi bóng tối.
Lạy Chúa, mỗi ngày con đọc Kinh Lạy Cha rất nhiều lần. Có những lời kinh khác con chỉ đọc một hoặc hai lần, nhưng riêng Kinh Lạy Cha, con lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trong ngày. Thế nhưng, con nhận ra có lúc con đọc như một thói quen, một thói quen không ý thức. Giữa muôn vạn lời con thưa với Chúa, có lẽ chính lời kinh này lại là nhịp cầu mạnh mẽ nhất để con kết hiệp với Chúa, hướng về Cha, hướng đến tha nhân và hướng trở về chính nội tâm mình. Xin cho con biết đọc Kinh Lạy Cha với niềm hy vọng, với một tình yêu, với trái tim lắng nghe và với một niềm tin vững chắc rằng Cha luôn thấu hiểu.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết cầu nguyện, biết thanh luyện lời cầu nguyện, biết học nơi Chúa cách cầu nguyệ, không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả đời sống. Xin cho con biết dùng lời kinh mà Chúa dạy để sống mỗi ngày với sự tín thác, với lòng yêu thương, với tinh thần quảng đại và với ước mong được gần Chúa hơn. Xin cho con biết cầu xin với sự đơn sơ, biết tha thứ với lòng khiêm hạ, biết đón nhận nhau trong yêu thương và biết khước từ mọi sự dữ để lòng con luôn thuộc trọn về Chúa. Amen.
Maria Mộng Duyên
Chia sẻ bài viết:
Youtube: Sức Mạnh Của Kinh Lạy Cha
Fanpace: Thân Hữu MTG Thủ Thiêm
Tin cùng chuyên mục:
Chủ Nhật Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm C – 27/07/2025 – Sức Mạnh Của Kinh Lạy Cha
Thứ Bảy Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm C – 26/07/2025 – Được Nghe, Được Thấy – Một Mối Phúc Lớn Lao
Thứ Sáu Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm C – 25/07/2025 – Thánh Giacôbê Tông Đồ Một Hành Trình Được Thanh Luyện Trong Ơn Gọi
Thứ Năm Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm C – 24/07/2025 – Mở Lòng Ra Để “Thấy” và “Nghe”