Bài học khiêm nhường bên sông Gio-đan

TIN MỪNG:  Lc 3, 15-16. 21-22

15 Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Đấng Kitô không?”,

16 Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”.

21 Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

SỐNG LỜI CHÚA

Khiêm nhường là một trong những nhân đức căn bản và quý giá của con người, và mẫu gương tuyệt vời nhất về sự khiêm nhường chính là Thầy Giêsu. Dù là Thiên Chúa, Đức Giêsu đã hạ mình, chấp nhận thân phận con người với đầy những giới hạn, và sống trọn vẹn bài học khiêm nhường. Trong trình thuật Tin Mừng của thánh Luca hôm nay, là một ví dụ điển hình khi Chúa Giêsu đã hòa mình vào đám đông dân chúng và xin Gioan làm phép rửa, nêu bật một bài học khiêm nhường sâu sắc, quý giá cho con trong cuộc sống thường ngày.

Sau 30 năm sống ẩn dật tại làng quê nghèo Nazareth, Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng việc xuống sông Gio-đan để chịu phép rửa từ Gioan. Người không có tội gì để phải lãnh phép rửa của Gioan nhưng hành động ấy đã nêu gương cho con về sự khiêm nhường của một Thiên Chúa yêu thương con người cách trọn vẹn. Người mặc lấy xác phàm để chia sẻ thân phận làm người. Người muốn trở nên người thầy, người anh, người bạn của tất cả chúng nhân, nhất là những người thấp cổ bé họng, những người cô thế, cô thân… Người muốn chung phần đau khổ với hết mọi cảnh đời, nhất là những kẻ tội lỗi, để nâng con người lên và giải thoát họ khỏi quyền lực của sự chết.

“Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Lc 3, 22). Khi Chúa Giêsu nhận phép rửa này, ngoài việc “nhập thế đến cùng”, khiêm tốn xếp hàng đứng chung với các tội nhân đợi chờ đến phiên, Người còn hữu ý qua động thái có một không hai,  đó là công khai khởi đầu cuộc sống mới: cuộc rao giảng Tin Mừng cho mọi người [*]. Sự kiện này không chỉ đơn thuần là một nghi thức, mà còn là một bài học sâu sắc về sự khiêm nhường và tự hạ của một vị Thiên Chúa toàn năng ngang qua Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người. Dòng sông Gio-đan, chứng kiến khoảnh khắc Chúa Giêsu khiêm nhường xin chịu phép rửa, là một minh chứng hùng hồn cho tình yêu vô bờ bến của Ngài.

Để sống khiêm nhường, con cần tự vấn bản thân, không chỉ là nhận ra sự giới hạn của bản thân mà còn là thái độ tôn trọng và yêu thương người khác. Khi con biết đặt mình vào vị trí của người khác, lắng nghe và thấu hiểu những nỗi đau, niềm vui của họ. Sống chan hòa, yêu thương, sẵn lòng giúp đỡ mọi người và luôn biết ơn Thiên Chúa vì những ân huệ Ngài ban.

Lạy Chúa, xin cho con được thấm nhuần tinh thần khiêm nhường của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Xin giúp con luôn ý thức về sự giới hạn của bản thân và biết ơn mọi ân huệ Chúa đã ban. Xin cho con có một trái tim bao dung, sẵn lòng tha thứ và yêu thương mọi người. Xin giúp con sống một cuộc đời khiêm tốn, phục vụ và làm vinh danh Chúa. Amen.

Cát Trắng

 

[*] Lm Giuse Nguyễn Hữu An, Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Phép Rửa Tái Sinh, ngày 09/01/2021.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *