Thần học đời tu nhấn mạnh rằng, trong khi đời tu là một lời mời gọi, con người vẫn có tự do để đáp trả. Tuy nhiên, sự lựa chọn này không đơn thuần là một quyết định cá nhân mà là một sự hợp tác với ơn gọi của Thiên Chúa. Khi một người đáp trả lời mời gọi, họ đang nói “vâng” với kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa và đồng hành với Ngài trong sứ mệnh cứu độ.
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao lại có những người chọn rời bỏ thế giới để sống một cuộc đời đơn sơ, khiêm tốn trong các tu viện? Điều gì đã thôi thúc họ dấn thân vào con đường tu trì, một con đường đầy thử thách và hy sinh? Câu trả lời có thể nằm ở chính sâu thẳm tâm hồn mỗi người, nhưng điều chắc chắn là ơn gọi tu trì là một hành trình khám phá bản thân và tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời.
Khi bước chân vào đời tu, ta có một lựa chọn. Lựa chọn sơ khởi đó thường mang ít nhiều màu sắc vị kỷ và tiêu cực như đi tu vì ham thích một cái gì đó, vì có cảm tình với người tu nào đó, vì một sự thúc ép nào đó từ bên ngoài… Mặt khác, lúc đầu ta cũng không ý thức đầy đủ về ý nghĩa và những đòi buộc của lựa chọn đời tu. Đó là những điều ta tìm hiểu sau đây :
I.Ý NGHĨA CỦA LỰA CHỌN ĐỜI TU.
Đời tu bước theo Đức Kitô để sống theo gương hiếu thảo và huynh đệ của Người. Như thế đời tu bước theo Đức Kitô đòi buộc ta phải bỏ ý riêng mình để tìm và thi hành ý Thiên Chúa, phải bỏ đời sống hôn nhân để hiến thân phục vụ mọi người. Do đó, lựa chọn đời tu bao hàm việc hy sinh quên mình, chết đi như mặt trái của đời tu.
Trong quá trình của đòi tu, sụ lựa chọn của ta nhiều lúc trải qua những do dự, những khủng hoảng, để dần dần đi đến khẳng định dứt khoát hơn. Tâm trạng do dự được biểu hiện qua thái độ quá lo lắng cho ngày mai, chểnh mảng với bổn phận hôm nay, như lơ là trong cầu nguyện, thiếu sót trong nhiệm vụ hằng ngày… Và hiệu quả của tâm trạng do dự là nội tâm bị phân xẻ ray rứt, khổ sở…
Còn thái độ dứt khoát là một thái độ liều mạng là mạo hiểm dấn thân trong mờ mịt của huyền nhiệm cuộc đời như Abraham, Đức Maria. Vì lẽ sự dấn thân đó không bao giờ nắm chắc hiệu quả như hòa hợp Oxy với Hydro thành nước. Do đó, chân tu không phải là tìm sự an tâm, không phải là dừng lại trong an phận, mà là hành trình trong huyền nhiệm cuộc đời để góp phần phục vụ hạnh phúc của mọi người. Mức độ dứt khoát trong lựa chọn thì tùy thuộc một mặt ở ý thức về những lý do vị tha và tích cực của lựa chọn, mặt khác ở ý chí quyết định và thi hành quyết định trong suốt cuộc đời dài.
Vì đời tu là một cuộc hành trình mạo hiểm, nên muốn đạt đến đích, người ta cần có chỉ nam, đó là Lời Thiên Chúa và cần có người hướng dẫn đó là Đức Kitô và những cộng sự viên của Người.
II. NHỮNG ĐÒI BUỘC CỦA LỰA CHỌN ĐỜI TU.
Lựa chọn đời tu, đòi hỏi người tu phải thường xuyên quên mình, từ bỏ, phải thường xuyên chấp nhận hy sinh, đau khổ do việc từ bỏ gây nên cho bản thân và phải thường xuyên hoán cải đổi mới chính mình. Đó là ba đòi buộc của lựa chọn đời tu.
-
Từ bỏ :
Từ bỏ ở đây là từ bỏ ý riêng để sống theo ý Thiên Chúa, từ bỏ lòng tham sân si để sống vị tha (Lc 4, 1 ; Lc 22, 39 ; Lc 9, 46), từ bỏ tính ích kỷ hẹp hòi trong tình cảm tự nhiên (Mt 6, 25) để sống quảng đại và phục vụ mọi người, như Đức Kitô đòi hỏi.
Từ bỏ ở đây có nghĩa là theo gương Đức Kitô, điều hướng ý kiến mình theo ý Thiên Chúa, là thăng hóa biến nó thành công cụ thể hiện lòng hiếu thảo đối với Thiên Chúa, thể hiện tình huynh đệ đối với mọi người.
Nói cách khác như Gioan Thánh giá là biết lợi dụng tất cả cái tốt, cái xấu trong tôi để biến tâm hồn tôi thành tình yêu.
Thí dụ về từ bỏ đời sống hôn nhân. Từ bỏ ở không có nghĩa là chối bỏ giá trị chân chính của đời sống hôn nhân, là biểu hiện của tình thương của Thiên Chúa đối với loài người, biểu hiện của tình thương của Đức Kitô đối với Giáo hội của Người, mà có nghĩa là vì tôi chọn sống độc thân trong đời tu như một biểu hiện khác của tình thương đó, đồng thời, vì đời sống độc thân trong đời tu còn là một dấu hiệu của đời sống phục sinh trong thế giới mới sau này, một giá trị trọng nhất trong các giá trị.
Một điều không thể phủ nhận là mặc dù tôi từ bỏ đời sống hôn nhân, đời sống này vẫn có một sức mạnh quyến rũ lôi cuốn tôi. Nếu tôi nghiêng chiều về nó thì ý chí quyết tâm sống độc thân của tôi sẽ mất đi sức mạnh của nó và cuộc sống của tôi sẽ bị phân sẻ làm nhiều mảnh vụn. Do đó, từ bỏ ở đây bao hàm việc ý thức rằng mình có khả năng quyết định không để cho sự nghiêng chiều đó hiện hữu, cũng như tránh những dịp làm cho nó phát triển.
Với quyết tâm đó, dần dần sự lôi cuốn của tôi sống hôn nhân giảm đi sức mạnh khống chế của nó trên đời tôi, và sự chọn lựa đời tu cũng được khẳng định cách dứt khóat hơn. Sự từ bỏ là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh. Bằng việc từ bỏ những ham muốn ích kỷ và sống vì người khác, chúng ta đang dần hoàn thiện bản thân và đến gần Thiên Chúa hơn.
2. Chấp nhận hy sinh đau khổ do việc từ bỏ gây nên.
Việc từ bỏ ý riêng (tư kiến tình cảm riêng tư, tự nhiên làm cho ta cảm thấy mất mát, tiếc sót, ray rứt. Như thế từ bỏ là hy sinh, là đau đớn. Hay nói cách khác, hy sinh, đau khổ là định luật của từ bỏ. Trong đời tu đó là định luật Thập Giá. (Lc 9, 23)
Thế nhưng định luật đó sẽ giảm đi tính đáng sợ của nó, khi ta ý thức sự cần thiết của nó trong đời mình, sự cần thíêt tiết yếu của hạt giống phải chết đi để sinh hoa trái (Ya 12, 24)
Vả lại nếu Đức Kitô giữ được điềm tĩnh hiên ngang trước cái án tử, trước cái chết tủi nhục trên thập giá, đó là Người vì ý thức chấp nhận cho đường khổ giá như một biểu hiện của một tình thương không còn tình thương nào lớn hơn, và lại chấp nhận hy sinh, đau khổ và yêu thương còn đem lại cho Người ý thức và tự nguyện một niềm vui, một mối phúc mà chỉ có người sống vì tình yêu mới có thể cảm mến được (x. Mt 5,11, Col 1,24, TT Têr 137, 196).
Từ bỏ đi kèm với đau khổ và hy sinh, nhưng sự từ bỏ lại mang đến cho chúng ta một niềm vui sâu xa và giúp chúng ta trưởng thành hơn trong đức tin. Và chính Đức Kitô là gương mẫu cho chúng ta noi theo trong việc chấp nhận đau khổ và hy sinh vì tình yêu.
-
Hóan cải đổi mới.
Là điều kiện tất yếu để trung thành với lựa chọn đời tu. Thái độ này một mặt giúp ta bảo vệ ý thức về tình trạng bất tòan của mình để ta sẵn sàng đối phó với những xu hướng vị kỷ trong ta, mặt khác nó giúp ta duy trì quyết tâm hướng tìm về nguồn sống viên mãn nơi Thiên Chúa.
Kinh nghiệm khôn ngoan của giáo hội nhắc nhở cho ta rằng thái độ hoán cải đổi mới phải là một thái độ thường xuyên trong đời tu, là một việc mà ta phải làm hằng ngày, trong mỗi thánh lễ vào giờ xét mình, vào giờ kinh tối, vì lẽ lúc nào ta cũng cần quay về Thiên Chúa như nguồn ánh sáng, như nguồn yêu thương, để trở nên một ngọn đèn sáng hơn, để sống yêu thương hơn.
Thái độ ngược lại hóan cải là thái độ tữ mãn, tự cao (Lc 18, 9) chỉ đưa ta đến một lối sống hòan thiện giả tạo, đồng thời tạo xung đột giữa xu hướng vị kỷ bị dồn nén trong ta với định hướng sống thuận theo ý Thiên Chúa trong đời tu, Chính vì thế mà Đức Kitô đã kết án thái độ này.
Thật vậy,thái độ hoán cải là nền tảng của đời sống tu trì. Bằng việc luôn sẵn sàng thay đổi bản thân và hướng về Thiên Chúa, người tu sĩ sẽ ngày càng trở nên hoàn thiện và sống một cuộc đời có ý nghĩa.
III. TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI TU NHƯ MỘT LỰA CHỌN
Trưởng thành ở đây chuyển động từ những lý do vị kỷ và tiêu cực đến những lý do vị tha và tích cực trong khẳng định lựa chọn của mình, là phát huy ý thức về ý nghĩa và giá trị từ bỏ của hy sinh, đau khổ như những biểu hiện của tình yêu tận hiến, ý thức về hóan cải như thái độ quay về nguồn yêu thương nhân hậu, bao dung, và chung thủy để sống yêu thương vị tha hơn, ý thức về tội lỗi như một thái độ ích kỷ, chối từ và phản bội tình yêu của Thiên Chúa, một thái độ rút lui xa lánh Thiên Chúa và tha nhân.
Trưởng thành ở đây còn là biết cách từ bỏ mà không gây tổn thất cho nhân cách của mình. Cách đó điều hướng và thăng hoa, chớ không phải là dồn nén. Dồn nén không ngăn cản được những hướng vị kỷ tiếp tục họat động và biến hóa trong ngõ tối của ý thức và gây nên tổn hại cho đời sống tâm linh của mình
Quá trình thực hiện việc từ bỏ, giúp cho ta kinh nghiệm về cái khó của từ bỏ là do cái tôi vừa yếu hèn vừa tự mãn, do môi trường sống bị ô nhiễm bởi danh – lợi – thú, đồng thời nó cũng cho ta kinh nghiệm về những phương thế khắc phục khó khăn, về vai trò của ý chí, của đời sống, bí tích, đời sống cộng đoàn trong Giáo Hội, về sức mạnh của tình yêu tự hiến…chính những kinh nghiệm đó sẽ giúp ta dứt khoát hơn trong lựa chọn, vững tâm trong định hướng, trưởng thành hơn trong đời tu.
Thế nên, đời tu không chỉ là một sự lựa chọn mà còn là một ơn gọi, một sứ mệnh và một cuộc sống biến hình. Khi nhìn nhận đời tu dưới góc độ thần học đời tu, chúng ta thấy được sự cao cả và ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống tận hiến. Đời tu là một con đường dẫn đến sự thánh thiện và viên mãn, là một món quà quý giá mà Thiên Chúa ban tặng cho những ai dám đáp trả lời mời gọi của Ngài.
( Trích tập sách Hành Trình Ơn Gọi, Bài 2, Lưu Hành Nội Bộ. MTGTT)
Tin cùng chuyên mục:
Thứ Bảy Tuần Thánh Năm C – 19/04/2025 – Bảy Sự Thương Khó Của Mẹ Maria Bên Người Con Yêu Dấu
Thứ Sáu Tuần Thánh Năm C – 18/04/2025 – Cùng Chúa lên đồi Golgotha
Thứ Năm Tuần Thánh Năm C- 17/04/2025 – Bữa Tiệc Ly – Nơi Bắt Đầu Một Tình Yêu Vĩnh Cửu
Thứ Năm Tuần Thánh Năm – Lễ Dầu – 17/04/2025 – Lời Mời Gọi Trở Về