Trở lại Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm

Tiếng piano chập chùng vọng ra từ căn phòng nào đó rất gần. Trên hành lang phòng khách ngay bên trái lối vào tu viện, dì Út đang đứng tiếp chuyện một nhóm người trẻ. Giữa những khoảng trống của những nốt đàn rời rạc, ngay lối tôi vào vẫn vọng lại tiếng dì nhỏ nhẹ “Cảm ơn, mong các cô chú thông cảm” cùng dáng vẻ điềm đạm và biểu cảm chừng mực.

Khi nhóm người quay ra cổng với những dụng cụ tác nghiệp có đề tên một đơn vị truyền thông, tôi nhận ra họ cũng là nhà báo. Những ngày này, khi thông tin nhà thờ Thủ Thiêm và tu viện dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm được xếp hạng di tích cấp thành phố được công bố, chắc người làm báo nào cũng muốn quay về nơi này, ghi lại cái hân hoan của vùng đất vừa thoát khỏi cuộc dâu bể của “quy hoạch, giải tỏa”.

Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm - nơi vừa được UBND TP.HCM xếp hạng di tích cấp thành phố (Ảnh: Thành Lâm)
Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm – nơi vừa được UBND TP.HCM xếp hạng di tích cấp thành phố (Ảnh: Thành Lâm)

Vừa từ chối xong đơn vị truyền thông nọ, dì Út đã nhận ra vị khách tiếp theo cũng là… nhà báo. Dì cười, hỏi tôi: “Xuống uống sữa bò phải hông?”. Dì “ghẹo” như đã “biết tỏng” tôi đang tìm gì. Tôi đi thẳng vào vấn đề: “Tu viện được xếp hạng di tích rồi, chắc vui lắm hả dì?”. Nét mặt dì chợt nghiêm lại, cái giọng vui đùa mới đó đã trầm xuống: “Cũng vui mà chưa chính thức đâu con. Dì cũng nghe nói chứ chưa cầm được tờ giấy công nhận nào trên tay…”.

Vừa lúc đó, một vị xơ trẻ cầm phích nước đi tới, dì Út vội nói tôi: “Con xuống thăm dì Ba trước đi rồi lát quay lên nghen”.

Những xe cỏ chở vào, những chuyến sữa tươi chở ra khỏi trang trại bò sữa ở cánh phải tu viện - Ảnh: Minh Trâm
Những xe cỏ chở vào, những chuyến sữa tươi chở ra khỏi trang trại bò sữa ở cánh phải tu viện – Ảnh: Minh Trâm

Tôi men theo bờ rào đi về cánh phải của tu viện. Buổi sáng cuối năm yên ắng lạ thường giữa một khu nhà vẫn thấp thoáng dáng người qua lại, làm lụng trên các hành lang, giữa những khoảnh sân xanh màu cây cỏ. Khi tiếng piano chỉ còn vẳng nhẹ, tôi chợt… giật mình vì tiếng xe máy vụt qua cùng hình ảnh người đàn ông đang thồ cỏ đi cùng hướng. Chiếc xe chở cỏ dừng ở cuối đường, ngay gốc cây mít có cái nhà kho chất đầy củi và những bao cỏ.

Nhìn theo đoạn đường đất rẽ qua từ chỗ nhà kho, tôi đã thấy dì Ba đứng đó. Trại bò sữa gần 40 con, bếp củi đang đỏ lửa nấu nồi nước to, vị nữ tu già chân mang ủng, tay cầm dụng cụ vắt sữa, cùng không gian mở ra từ cái nhà kho có xe chở cỏ vào ra mỗi ngày mười chuyến – khiến tôi có cảm giác mình đang trôi ra khỏi thành phố mà đi lạc sang một trang trại nào đó của quá khứ.

Nhà thờ Thủ Thiêm nằm lặng lẽ bên sông, nhìn sang vùng sầm uất và lộng lẫy bậc nhất Sài Gòn. (Ảnh: Thành Lâm)
Nhà thờ Thủ Thiêm nằm lặng lẽ bên sông, nhìn sang vùng sầm uất và lộng lẫy bậc nhất Sài Gòn. (Ảnh: Thành Lâm)

 

Dì Ba đang còn ngờ ngợ thì chợt “À” lên như đã nhận ra khi nghe tôi hỏi: “Mấy nay… vui lắm hả dì?”. Dì cười hiền: “Con nghe tin vui xuống chơi hén?”. Tôi gật. Vẫn giọng nói chừng mực, hiền hiền: “Mừng lắm con, nếu phải đi nơi khác, tu viện cổ không còn, mà chỗ mới chắc cũng không còn chỗ đâu cho trại bò”.

Hồi đầu tháng 5/2018, trước thông tin sắp cưỡng chế cụm công trình Công giáo này theo tiến độ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, khi thị dân Sài Gòn bàng hoàng nuối tiếc khu tôn giáo đã gắn bó gần hai thế kỷ với thành phố, khi các giáo dân Q.2, các nữ tu ở dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm khẩn khoản đề nghị được giữ lại tu viện – thì có vị nữ tu trăn trở một nỗi buồn cho… đàn bò đã hơn 20 năm cung cấp sữa tươi nguyên chất cho trẻ con trong vùng.

Mô hình thu nhỏ Tu viện Thủ Thiêm ngày nay được dựng trước nhà nguyện (Ảnh: Minh Trâm)
Mô hình thu nhỏ Tu viện Thủ Thiêm ngày nay được dựng trước nhà nguyện (Ảnh: Minh Trâm)

Dì Ba múc cho tôi một ly sữa còn nóng hổi, nói thêm: “mà đâu đã chính thức?”. Dù đã đọc nhiều bài báo chính thống, đã biết chắc chủ trương của thành phố trong việc giữ lại, đồng thời xếp hạng di tích cấp thành phố cho cụm công trình này – tôi vẫn chợt trở nên ngại ngần trước những nghi ngại quá nghiêm cẩn từ những người trong cuộc. Họ hỏi, như chỉ chờ một sự xác tín.

Nhiều lần ghé qua tu viện, tôi đã biết về những quy định nghiêm ngặt của giáo phận không cho phép các xơ phát ngôn trước báo chí. Trong giai đoạn rộ lên tin cưỡng chế năm ngoái và cả tin mừng được xếp hạng di tích lúc này, tu viện cũng liên tục phải từ chối làm việc với những đoàn báo chí đến xin phỏng vấn. Nhưng, tình yêu với di sản, với những hiện hữu cổ xưa cùng dòng tự sự về một vùng đất đang dày dặn dần những câu chuyện kể – đã làm nên bao chuyện trò xuyên suốt giữa chúng tôi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *